Giám sát các dự án BOT giao thông: Điểm mặt 13 hạn chế, bất cập

Thứ ba, 15/08/2017 18:12
(ĐCSVN) – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói "Người dân vẫn phải trả phí cho một số đoạn đường BOT xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào vận hành khai khác”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục phiên họp thứ 13, cả ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.

Đường xuống cấp vẫn phải trả phí

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết. Hình thức đầu tư PPP trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT)… nói chung đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông.

Cũng theo đánh giá về hiệu quả tổng thể mà các dự án giao thông BOT, diện mạo về hệ thống giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, tạo điểm nhấn cho sự phát triển.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát đã thẳng thắn chỉ ra 13 hạn chế, bất cập. Đó là việc lập một số dự án chưa được nghiên cứu kỹ nên phải bổ sung thay đổi ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành. Việc lập, thẩm tra, phê duyệt một số dự án còn bất cập ảnh hưởng đến việc tính tổng mức đầu tư dự án.

Hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thời gian vừa qua đều được chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Một số dự án tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư khi chưa đủ điều kiện theo quy định, một số dự án không đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định làm giảm tính cạnh tranh.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra, với đặc thù của dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án dài tới 15 đến 20 năm, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này nếu công tác quản trị rủi ro không tốt hoặc dự án không thu hồi vốn theo kế hoạch thì rủi ro  cho ngân hàng là rất lớn. Hơn nữa, việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cũng tiềm ẩn rủi ro khi các dự án bị  chậm tiến độ…

Công tác quản lý, nghiệm thu, giám sát, chất lượng của một số dự án còn chưa tốt, thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa nghiêm. “Người dân vẫn phải trả phí cho một số đoạn đường BOT xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào vận hành khai khác” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra quy định pháp luật và thực tế triển khai thu phí (giá) sử dụng dịch vụ còn nhiều bất cập như: khoảng cách, quy mô, vị trí đặt trạm thu phí (giá), định mức kinh phí quản lý công tác thu phí (giá), quy định khung giá, mức giá, lộ trình tăng giá, chủ yếu sử dụng hình thức thu phí (giá) không bảo đảm công bằng, tính minh bạch chưa cao, dễ xảy ra tiêu cực, dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội

Theo quy định, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70km, trường hợp nhỏ hơn 70km thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo ông Thanh “trên thực tế xảy ra 2 tình trạng: thứ nhất là Trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án; hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Thứ hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km”.

Ngoài ra, các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua, sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí (giá) sử dụng dịch vụ.

Hơn nữa, theo Đoàn Giám sát, nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng...

Vấn đề ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn

Là người đầu tiên thảo luận về báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, những tồn tại chủ yếu trong đầu tư BOT là do nguyên nhân chủ quan. Ông thẳng thắn phát biểu: “Nhiều tuyến đường độc đạo, từ thời ông bà để lại từ kiếp nào, giờ chỉ tráng lên rồi thu tiền, bà con bức xúc là đúng. Hay nhiều đoạn đường rất ngắn nhưng vẫn làm theo hình thức BOT dẫn tới nhân dân phản ứng”.

Ông đề nghị đối với các tuyến đường độc đạo, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch có trạm BOT, “chúng ta nên có phương án xử lý sớm, nếu cần thiết phải có lộ trình để mua lại".

Đồng tình và đánh giá cao báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ ra 2 vấn đề nổi lên là khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí. Ông phát biểu: “Mọi phản ứng tiêu cực và tích cực của người dân đều liên quan đến vấn đề này; trong đó nguyên nhân chủ yếu do khâu quản lý, kiểm tra, giám sát cơ quan nhà nước. Những vấn đề nổi lên như mức thu phí, thời gian thu phí... đều thiếu sự công khai minh bạch. Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo”.

Vị Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trạm nào không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km trở lên theo quy định thì Nhà nước cần mua lại quyền thu phí để việc thu phí tại các trạm này đỡ gây bức xúc cho dân; cần thiết tổng rà soát để xây dựng quy hoạch về BOT.

Về nguồn lực làm BOT, ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, thực chất các dự án BOT đều sử dụng vốn vay ngân hàng, có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay, thời gian vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao. Để giải quyết vấn đề này cần làm rõ nguyên nhân, phân tích rõ hơn nữa cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để không tạo sức ép cho việc thực hiện BOT.

Trong khi đó, đánh giá Đoàn Giám sát đã rất nỗ lực và đồng tình với báo cáo giám sát, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ trăn trở khi báo cáo chưa nói rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu: "Báo cáo của đoàn giám sát chỉ có hơn 5 dòng nói về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Thực chất là chưa nói được trách nhiệm các tập thể, cá nhân sau giám sát. Vậy là thế nào? Phải chăng chúng ta chưa nói hết hay còn gì nể nang không?. Tôi đề nghị cần phải quan tâm thêm, đánh giá thêm vấn đề này"- bà Phóng đề nghị.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra, “hành lang pháp lý chưa đủ, có hàng chục luật, nghị định liên quan nhưng chưa có luật riêng cho hình thức đối tác công tư. Hơn nữa những luật liên quan như đấu thầu, đầu tư công, đất đai, xây dựng… thì thay đổi liên tục nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện hình thức đầu tư này”.

Xoay quanh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng quan trọng nhất cân bằng lợi ích. Cụ thể ở đây là lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trực tiếp làm, các ban quản lý dự án, người dân chịu sự tác động của dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị nên có đánh giá, rà soát tổng thể các dự án BOT giao thông, với bức tranh hiện nay thì ai là người lợi nhất, ai chịu thiệt?. “Cần tính theo từng dự án để xem chỗ nào bức xúc, chỗ nào phản ánh nhà đầu tư làm ăn gian dối, chỗ nào dự án chất lượng kém…” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm.

Về trách nhiệm, đồng tình với Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu thẳng thắn: “Người làm tốt phải được khen, người làm không tốt phải chịu trách nhiệm. Không phải bỗng dưng dự án BOT được đưa ra đơn giản mà liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, nhưng báo cáo xác định trách nhiệm còn rất hạn chế, do đó đề nghị cần nói rõ hơn trách nhiệm”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung trong đó kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là hoàn toàn đúng đắn và thời gian qua đã triển khai khá tốt. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường quan trọng đã được đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT; nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Trong khi chưa ban hành Luật, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh quy định bất hợp lý, hạn chế trong thực tiễn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của nhà đầu tư trong cả giai đoạn thực hiện dự án, vận hành và bảo trì và giai đoạn kết thúc chuyển giao để bảo đảm sau khi hết thời hạn thu phí, công trình được bàn giao lại cho Nhà nước vẫn phải đảm bảo chất lượng vận hành./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực