Hà Nội: Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch phải cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu

Thứ năm, 06/08/2020 21:40
(ĐCSVN) –Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch đã thiết lập từ trước đến nay kể cả về con người, cơ chế và phương thức phối hợp. Việc kích hoạt toàn bộ hệ thống được thực hiện theo diễn biến của dịch bệnh xảy ra nhưng phải cao hơn 1 mức so với kịch bản được phê duyệt từ đầu. Từ Thành phố đến cở sở phải rà soát lại các điều kiện để đảm bảo phương châm 4 tại chỗ...
leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc.

Chiều tối 6/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì họp với UBND Thành phố (TP), Ban Chỉ đạo TP về phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội…

Nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực

Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Tính đến 14h ngày 6/8/2020, Hà Nội ghi nhận tổng số 145 ca mắc (121 trường hợp từ giai đoạn trước); Giai đoạn từ 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 24 ca mắc, trong đó có 3 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng (BN447, BN459 và BN714) và 21 trường hợp là bệnh nhân trở về từ Guinea Xích Đạo.

Đến 14h ngày 6/8/2020, toàn thành phố có 96.479 người về từ Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Trong đó xét nghiệm PCR 586 trường hợp, kết quả 582/586 mẫu âm tính, còn 4 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm; Xét nghiệm test nhanh cho 72.791 trường hợp, ghi nhận 12 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ 12/12 trường hợp có kết quả PCR âm tính.

Liên quan đến bệnh nhân BN714: Sơ bộ đã ghi nhận 68F1 và 200F2. Tất cả các trường hợp F1 đã được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm. Hiện tại, mẫu bệnh phẩm đang được các đơn vị gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm và chưa có kết quả (40/68 mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội).

Điều tra chuyến xe có BN620 (tại Hà Nam): Đến nay, ghi nhận 10 trường hợp là người dân Hà Nội đi cùng chuyển xe này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm 8/10 trường hợp đều âm tính, còn 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

Điều tra xác minh các trường hợp trên chuyển bay VN7198 từ Đà Nẵng về Hà Nội ngày 24/7/2020 (có 6 hành khách được xác định mắc COVID-19: Lạng Sơn 4, Bắc Giang 2). Thành phố đã tiến hành xác minh có 73/184 hành khách là người dân trên địa bàn Hà Nội, hiện các trường hợp này sức khỏe bình thường, trong đó xác định có 33/73 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (ngồi cùng hàng ghế hoặc trước/sau 2 hàng ghế). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã hướng dẫn các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm đối với 33 người tiếp xúc gần theo quy định của Bộ Y tế.

Điều tra các trường hợp tiếp xúc với 2 ca bệnh tại Hà Nội (BN447 và BN459) đến nay, đã xác minh có 132 trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh, tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm toàn bộ 132 mẫu đều âm tính.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tượng người từ Đà Nẵng về thành phố trong thời gian vừa qua là rất lớn, việc tuân thủ cách ly chưa được chặt chẽ (như bệnh nhân số 714 có lịch trình đi lại phức tạp) nên nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực và cho nhiều người tiếp xúc nếu đã nhiễm bệnh. Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Thành phố yêu cầu tiếp tục rà soát những người đi về từ Đà Nẵng và các tỉnh thành có dịch ngoài cộng đồng về; tập trung truy vết các trường hợp đi trên chuyến bay VN 7198 DAD ngày 24/7/2020 từ Đà Nẵng đến Hà Nội để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện chỉ đạo khẩn trương truy vết những người liên quan (F1, F2) đến BN714, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định, đồng thời bao vây khoanh vùng xử lý những địa điểm có liên quan theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Kiểm tra, kiểm soát tất cả các trường hợp nhập cảnh vào thành phố, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép vào thành phố; Mở rộng xét nghiệm để phát hiện sớm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, huy động tất cả các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin tại buổi làm việc. 

Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định về phân luồng, phân tuyến, tổ chức cách ly, điều trị bệnh nhân, không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện, trong đó đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm cho bệnh nhân nặng, mắc các bệnh nền; Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp tăng cường kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó, chủ động phòng chống dịch của các đơn vị…

Báo cáo làm rõ hơn tình hình tại các địa phương, lãnh đạo các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân đều cho biết số người về từ Đà Nẵng trên địa bàn quận tiếp tục tăng lên. Các quận cũng đã khẩn trương điều tra, truy vết những người tiếp xúc gần với 3 ca bệnh mắc mới ngoài cộng đồng; đồng thời phun khử khuẩn tại nơi ở và những nơi các BN tới. Lãnh đạo các quận cũng cho biết đã tăng cường các biện pháp chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra đảm bảo an toàn.

Liên quan đến ca bệnh BN714, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương thông tin, tòa nhà bệnh nhân đang ở là chung cư mini, 14 tầng, hành lang nhỏ, bí khí; Có 30 căn hộ gia đình, khoảng 98 người sinh sống tại đây, bệnh nhân sống ở phòng 303 cùng vợ và 2 con. Ngay sau khi nhận thông tin từ CDC, quận đã triển khai ngay các biện pháp, tiến hành khoanh vùng, rà soát điều tra dịch tế, thực hiện khử khuẩn, tại khu vực Kiều Mai, cho đi cách ly đối với F1, F2; Bố trí 2 chốt trực 24/24 giờ, kết quả xác minh F1 có 14 trường hợp, riêng tòa nhà chung cư có 6 F1, 80 F2. Trong đó, có 1 trường hơp F1 ở Cổ Nhuế 1 là ông Lê Trung Hòa, trú tại đường Phan Bá Vành, lái xe công ty xe bus 10-10 tiếp xúc gần với bệnh nhân từ khoảng 25/7, đến trưa 6/8 mới liên lạc được, đã đưa đi cách ly.

Xét nghiệm PCR cho toàn bộ những người từ Đà Nẵng về trong khoảng 15/7 – 29/7

Thay mặt Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo Thường trực Thành ủy làm rõ thêm một số nội dung. Theo đó, với tinh thần khẩn trương, đến nay, Thành phố đã phát hiện hơn 96.000 người từ Đà Nẵng và các tỉnh, địa phương có dịch về Hà Nội. Đối với 3 ca nhiễm ngoài cộng đồng ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo xác định các ca bệnh đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Đà Nẵng. Thành phố đã xác định 104 F1 với BN714 và 6 bệnh nhân trên chuyến bay VN7189. Các quận huyện tiếp tục xác minh các trường hợp tiếp xúc gần của các trường hợp trên.

TP cũng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke, các hoạt động tập trung đông người…Đặc biệt, bất kể người nào có dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì đều lấy mẫu xét nghiệm. TP cũng đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công tác đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thông tin, số lượng test nhanh Hà Nội hiện có là do Bộ Y tế cung cấp từ giai đoạn trước. Theo đó, Thành phố đã dùng 20.000 test để thực hiện cho các khu chợ đầu mối và các phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, đã cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên, lần này có hơn 96.000 người về từ Đà Nẵng cần được xét nghiệm, trong khi đó Hà Nội chỉ có hơn 80.000 test. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng độ nhạy và độ chính xác của test nhanh này cũng ở mức tương đối vì test này chủ yếu tìm kháng thể. Chính vì thế, trường hợp của BN714 mặc dù đã được test nhanh có kết quả âm tính, nhưng khi xét nghiệm PCR vẫn có kết quả dương tính.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin tại buổi làm việc.

“Trên tinh thần công khai, minh bạch, Ban Chỉ đạo của Thành phố xác định test nhanh là giải pháp để kịp thời khoanh vùng những trường hợp dương tính, từ đó có những biện pháp chặt chẽ hơn, chứ không phải là biện pháp duy nhất để chúng ta xác định ca bệnh” - Chủ tịch UBND TP cho biết.

Về năng lực xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, riêng CDC Hà Nội có thể xét nghiệm được 5.500 mẫu/ngày. Nếu huy động hết các nguồn lực từ các Bệnh viện thì Hà Nội có thể xét nghiệm được 9.000-10.000 mẫu/ngày.

Cho rằng công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để xác định các ca bệnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố cũng quyết định tất cả những người đi từ ngày 15/7 đến 29/7 từ Đà Nẵng về đều phải làm xét nghiệm PCR.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu lên cần khẩn trương truy tìm các trường hợp F1, F2 liên quan đến các bệnh nhân 447, 459 và bệnh nhân 417 và trường hợp liên quan đến chuyến bay VN7198 ngày 24/7. Tất cả các trường hợp đi du lịch về, kể cả không từ vùng dịch nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở đều cần được làm xét nghiệm PCR.

Riêng các trường hợp có triệu chứng đi từ Đà Nẵng và Quảng Nam ra phải tiến hành xét nghiệm PCR và cách ly tại bệnh viện. Đồng thời, cách ly tập trung các đối tượng F1 từ Đà Nẵng; cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2 và phòng/trạm y tế địa phương chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe.

Liên quan đến kit xét nghiệm, Chủ tịch cho biết, tối 6/8, Thành phố sẽ tiếp nhận 10.000 bộ xét nghiệm do bệnh viện Tâm Anh trao tặng. Thành phố giao CDC, trước mắt, ưu tiên cấp cho các quận trung tâm để tiến hành xét nghiệm cho tất cả các trường hợp đi từ Đà Nẵng, các trường hợp F1, F2 liên quan đến các bệnh nhân. Sở Y tế chủ trì và CDC tiếp tục xác minh các trường hợp liên quan đến chuyến bay VN7198. Giao tất cả các trạm y tế phường, xã đảm nhận, lấy mẫu dịch hầu và dịch họng để làm xét nghiệm PCR đối với các trường hợp đi từ Đà Nẵng từ ngày 15-29/7. Phấn đấu từ ngày 7-13/8, lấy được từ 60.000-65.000 mẫu.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Thành phố vẫn còn khó khăn trong công tác mua sắm vật tư y tế. Do đó, Thành phố đề xuất Thường trực Thành ủy giao Sở Y tế cùng thành phố huy động xã hội hóa liên quan đến công tác mua sắm bộ kit xét nghiệm.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nếu Thành phố quyết liệt và không có thêm ca mắc COVID-19 mới từ nay đến hết 15/8, TP Hà Nội sẽ tương đối an toàn. Song, nếu xuất hiện ca mắc mới, Thành phố sẽ có những giải pháp mạnh hơn, nâng cảnh báo cao hơn trên tinh thần đảm bảo các hoạt động bình thường của xã hội; phòng chống dịch ở mức cao nhất song vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội.

leftcenterrightdel
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc.

Sớm khoanh vùng, dập dịch, có quyết sách phù hợp

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, dự báo tình hình trên thế giới và trong nước hiện nay rất phức tạp, khó lường với tốc độ lây lan khác nhau… Công tác chống dịch của lần này được đánh giá khó khăn hơn lần trước: Tốc độ lây lan nhanh hơn với nhiều chùm ca bệnh lây lan trong cộng đồng; vật tư thiết bị đang bị thiếu. Trước tình hình đó, ngày 28/7, Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành Công điện chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Đồng thời yêu cầu, toàn Đảng bộ Thành phố và Nhân dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Thành phố.

Đối với 8 giải pháp cụ thể, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch đã thiết lập từ trước đến nay kể cả về con người, cơ chế, và phương thức phối hợp. Việc kích hoạt toàn bộ hệ thống được thực hiện theo diễn biến của dịch bệnh xảy ra nhưng phải cao hơn 1 mức so với kịch bản được phê duyệt từ đầu. Từ TP đến cở sở phải rà soát lại các điều kiện để đảm bảo phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống dịch, nhất là xem xét lại khả năng đáp ứng các nhu cầu, thiết bị trong phòng chống dịch để mua sắm công khai, minh bạch theo kết luận của Thủ tướng, hướng dẫn Bộ Y tế.

Đặc biệt là cần làm tốt hơn nữa công tác truy vết với nguyên tắc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và phát huy vai trò then chốt, quan trọng của cán bộ tổ dân phố, công an, quân đội; rà soát chặt chẽ những người đi về từ vùng dịch, nhập cảnh trái phép và đơn vị nào để xảy ra việc người nhập cảnh trái phép thì người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền phải chịu trách nhiệm. Tập trung vấn đề xét nghiệm khẳng định PCR và thực hiện theo diện rộng; huy động cả bệnh viện tư nhân vào việc làm xét nghiệm và ưu tiên xét nghiệm đối với trường hợp F1, đang có triệu chứng. Khoanh vùng, cách ly, thực hiện giãn cách xã hội và tuỳ theo mức độ rủi do Thành phố sẽ có quyết sách phù hợp với từng khu vực.

Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong chữa trị phải tính toán đến tất cả các trường hợp xấu nhất và để khi có xảy ra thì giảm đến mức thấp nhất thiệt hại; rà soát lại các cơ sở y tế của Thành phố mà có khả năng chữa trị COVID-19 và sẵn sàng lên phương án kích hoạt lại bệnh viện dã chiến tại Mê Linh.

Trong công tác thông tin, truyền thông, Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu phải đi trước một bước và phát huy thành quả, kinh nghiệm trong đợt 1, 2 để kêu gọi phòng chống dịch trên tinh thần bình tĩnh, tự tin, không hoang mang nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Thường trực Thành uỷ cũng kêu gọi người dân Hà Nội cài đặt và sử dụng rộng rãi ứng dụng Bluezone. Bảo vệ tuyệt đối an toàn và thực hiện đợt cao điểm phòng chống tội phạm để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho cuộc sống bình yên của người dân Thủ đô và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp… trên địa bàn.

Trước mắt, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, tổ chức tốt, tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ 8 – 10/8; đảm bảo tiếp tục tổ chức tốt Đại hội Đảng tại các quận, huyện, đơn vị tương đương còn lại, hoàn thành chậm nhất ngày 18/8. Trong quá trình tổ chức, rà soát giảm thiểu những thủ tục rườm rà, không cần thiết, cắt hết các tiết mục văn nghệ chào mừng, tập trung cho nội dung, đảm bảo an toàn theo điều kiện vệ sinh dịch tễ. Đồng thời chuẩn bị thật tốt vật tư, trang thiết bị cần thiết và sẵn sàng chi viện nhân lực, vật lực cho Đà Nẵng, Quảng Nam trong phòng chống dịch. Duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá theo chỉ đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Thành phố để đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho người dân trong mọi tình huống…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực