Hà Nội sẽ quản lý nhà chung cư theo nguyên tắc “5 rõ”

Thứ năm, 26/09/2019 14:40
(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo nguyên tắc “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả).


Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TA)

Sáng 26/9, tại Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong truyền đạt về nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bất cập, yếu kém trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội đang có 2.598 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước; trong đó có 1.579 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Trong đó 1.234 chung cư cao tầng (từ 9 tầng trở lên); 86 chung cư còn tranh chấp 3,3%. Cả nước có 4.442 chung cư, trong đó  458 chung cư có tranh chấp (chiếm 10,53%).

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đã được các cấp, các ngành thành phố triển khai thực hiện theo quy định pháp luật; từng bước đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn, cải thiện điều kiện và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, công tác trên vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp bị chậm tổ chức so với quy định. Ngoài ra, việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư còn nhiều bất cập và hạn chế; tranh chấp sở hữu chung - riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng còn khá phổ biến...

Để xảy ra các tồn tại trên có nguyên nhân do hệ thống các quy định pháp luật cần thiết của Nhà nước để điều chỉnh việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, song cơ bản là các nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của thành phố.

Một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nặng về chạy theo lợi nhuận và không tôn trọng quyền lợi chính đáng của cư dân; năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn kém.

Một số ban quản trị chưa hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân trong một số chung cư. Thậm chí có trường hợp ban quản trị đã kích động cư dân khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự.

Một số sở, ban, ngành thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng và đùn đẩy trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư…

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý

Để khắc phục tình hình này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả hệ thống chính trị thành phố.

Nghị quyết nêu rõ 2 mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, mục tiêu của nghị quyết là xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước và người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn; kịp thời đề ra và triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác trên.

Nghị quyết đưa ra 5 giải pháp chủ yếu: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng giải pháp quản lý đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn ...

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh:TA)

Đáng chú ý, UBND thành phố xác định rõ sẽ kịp thời đề ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở cho người dân và xây dựng nếp sống văn minh trong các khu chung cư trên địa bàn thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước và đặc điểm, tình hình, yêu cầu từ thực tiễn của Thủ đô, UBND thành phố sớm ban hành quy định cụ thể của thành phố về việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả), với đầy đủ giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, có chế tài mạnh xử lý nghiêm các vi phạm.

Báo cáo kế hoạch của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, kế hoạch xác định rõ 5 mục tiêu, 5 nhiệm vụ. Kế hoạch cũng nêu rõ 25 đầu việc theo 4 nhóm nội dung, phân công cụ thể cho UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan.

Đáng chú ý, UBND thành phố xác định rõ sẽ kịp thời đề ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở cho người dân và xây dựng nếp sống văn minh trong các khu chung cư trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và bố trí cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo quy định… Chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quỵ định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn.

Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung để kịp thời phát hiện, công bố công khai, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực