Hà Nội: Sẽ xây nhà ở cùng các khu vui chơi cho công nhân

Thứ sáu, 19/05/2017 15:51
(ĐCSVN) – Đó là nội dung được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong Hội nghị đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động (CNLĐ), đại diện cho trên 15 vạn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, sáng 19/5, tại Khu công nghiệp Nội Bài.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lắng nghe những kiến nghị từ CNLĐ.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính; Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Kiến nghị “an cư” để “lập nghiệp”

Tại hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội cho biết, tại hội nghị lần này, nhiều kiến nghị của công nhân lao động đã được gửi đến các sở, ngành như Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Điện lực Hà Nội, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố... liên quan đến kiến nghị bảo đảm an toàn giao thông KCN Quang Minh và Bắc Thăng Long; 16 ý kiến liên quan đến xây dựng như nhà giá rẻ trả góp, xây dựng hạ tầng thiết chế văn hoá, nhà trẻ, bệnh viện cho công nhân lao động; tạo điều kiện cho công nhân các khu nhà trọ được lắp đồng hồ và trả giá theo quy định của Điện lực Hà Nội.

CNLĐ cũng kiến nghị xây dựng chợ bán lẻ giảm giá cho công nhân; vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn nợ đọng gây khó khăn khi chuyển nhà máy, chuyển công tác... Các doanh nghiệp có 8 ý kiến về giá xử lý nước thải cao, thủ tục PCCC còn nhiều vấn đề phức tạp.

Tại hội nghị, đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo thành phố, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyến, Công ty TNHH phát triển Nội Bài nêu kiến nghị: “Hiện nay toàn bộ điện nội bộ KCN Nội Bài đang bị áp giá điện hành chính sự nghiệp. Qua tìm hiểu quy định nhà nước, chúng tôi thấy chúng tôi phù hợp với giá điện sản xuất, các KCN khác cũng vậy. Mong các sở, ban, ngành xem xét vấn đề này”.

Anh Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Artin - KCN Quang Minh mong muốn Thành phố xây dựng một khuôn viên cho trẻ em, sân thể thao chung cho công nhân.

Anh Nguyễn Khắc Tường - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam phản ánh, tại Khu nhà ở chung cư của công nhân Canon rất nhiều nhà sàn gạch  bị phồng vỡ, tróc tường, thấm từ tầng 2 đến 5, hệ thống bồn rửa bị hỏng… Một số vị trí đã được khảo sát nhưng chưa được xử lý triệt để. Mong Thành phố và Ban quản lý khảo sát thực tế.

Tại cuộc đối thoại, nhiều CNLĐ nêu ý kiến được gửi con tại các trường công lập của địa phương. Trước mắt, cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong các thủ tục đăng ký tạm trú và nhập khẩu. Bởi đa số CNLĐ làm ở KCN không có hộ khẩu thường trú địa phương nơi thuê nhà ở vì vậy không có khả năng xin nhập học cho con vào trường công lập. NLĐ chỉ có thể gửi con ở các trường tư thục, chi phí cao.

Công nhân lao động kiến nghị, đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân theo hình thức nhà ở xã hội bán cho CNLĐ, giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại, tiết kiệm được thời gian và có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, hạn chế tệ nạn xã hội; xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi cho CNLĐ và con em của CNLĐ.

Anh Phan Thanh Hải - Ủy viên Ban thường vụ Công đoàn các KCN&CX Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam nêu một số kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính. “Hiện tại, việc giải quyết các thủ tục hành chính trùng với giờ làm việc của CNLĐ. Mỗi lần có thủ tục hành chính phải giải quyết, CNLĐ lại phải xin nghỉ phép gây ảnh hưởng đến tiền lương của công nhân và sản xuất của doanh nghiệp. Đề nghị Thành phố quan tâm bố trí một ngày thứ 7 trong tháng giải quyết các thủ tục hành chính cho CNLĐ, ví dụ như cấp căn cước, giấy phép lái xe, hộ khẩu…để không ảnh hưởng thời gian làm việc của CNLĐ. Với việc đăng ký tạm trú và làm hộ khẩu, hiện tại người lao động ở tỉnh xa đến muốn đăng ký tạm trú ở phường, xã gặp rất nhiều khó khăn, phải đi lại 3 đến 4 lần vì không gặp được cảnh sát khu vực” – anh Hải phản ánh.

Cũng theo ý kiến của các CNLĐ, tại các khu vực như Thạch Thất, Quốc Oai có khu nhà ở xã hội đã hoàn thiện, nhưng giá rất cao so với thu nhập của người lao động. Trong khi lãi suất ngân hàng cũng rất cao, NLĐ không thể tiếp cận để có thể mua nhà. Nhiều ý kiến kiến nghị được áp dụng như tỉnh Bình Dương, bán trả góp với lãi suất ưu đã cho NLĐ...

Sẽ xây dựng nhà ở cho công nhân

Giải đáp những thắc mắc của gần 1000 CNLĐ có mặt tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao những đóng góp của CNLĐ đang làm việc trong các KCN&CX đối với sự phát triển chung của Thành phố. Chia sẻ với những khó khăn mà CNLĐ đang gặp phải, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và các địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn.

Liên quan đến những vấn đề cụ thể về việc làm chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ năm 2013, Thành phố đã quy định với các doanh nghiệp từ 10 công nhân trở lên, nếu có nhu cầu làm chứng minh thư, cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để làm.


CNLĐ tại các KCN&CX luôn mong muốn có được nhà ở phù hợp với thu nhập của công nhân.

Về việc bày bán quán xá trước khu công nghiệp Nội Bài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu huyện Sóc sơn phải tăng cường tuyên truyền và có biện pháp dứt khoát không để tình trạng bán hàng quán trước cổng khu công nghiệp, đi liền với đó tìm khu đất hướng dẫn người dân tập trung bán hàng. Thành phố cũng sẽ xem xét bố trí địa điểm bán hàng tiện ích cho công nhân.

Liên quan KCN Nội Bài bị áp giá tiền điện theo mức điện hành chính sự nghiệp chứ không được áp dụng theo giá điện khu công nghiệp chế xuất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ về sự bất cập này và cho biết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội rà soát, để CNLĐ được hưởng giá điện của Khu công nghiệp.

Về hỗ trợ của Thành phố đối với điều kiện ở của công nhân như nhà văn hóa, nhà trẻ, khu vui chơi..., đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết “hoàn toàn nhất trí về điều này”.  Hiện nay, Thành phố chưa xây dựng được nhiều nhà ở cho công nhân, hoặc ở Khu công nghiệp Thăng Long dù xây dựng nhà ở nhưng ít công nhân vào ở. Bởi quá trình xây có nhiều bất cập như tiến độ xây chậm, chưa tham khảo nhu cầu của công nhân nên xây phòng quá rộng (10-15 người ở), trong khi nhu cầu của công nhân chỉ muốn 1 - 2 người ở; ngoài ra, chất lượng nhà ở thấp. Vừa qua, Thành phố đã khắc phục, sửa chữa lại, giảm giá... để tạo điều kiện cho công nhân vào ở.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, vừa qua, Thành phố Hà Nội và Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất, trong đó Tổng liên đoàn dành 700 – 800 tỷ đồng, cùng đồng hành với Thành phố Hà Nội xây dựng những khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn. Thành phố cũng dành khoản tiền để xây dựng khu nhà ở kèm theo những thiết chế văn hóa, dịch vụ để tạo điều kiện sống cho công nhân tốt hơn./.

Tin, ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực