Hành trình nặng nghĩa tình...

Thứ tư, 27/07/2016 10:59
(ĐCSVN) – Khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, trên 300.000 hài cốt đã quy tập về các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin... là day dứt khôn nguôi, là nỗi niềm đè nặng tâm can với bấy nhiêu gia đình liệt sỹ, cũng như toàn xã hội.

Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước: “Là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” – lúc đầu gọi là “Ngày thương binh toàn quốc”. Người khẳn định: “Họ là những người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, 69 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc người có công. Theo thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số), hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 117 nghìn mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185.602 bệnh binh...

Ngoài ra, người có công với cách mạng còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; được ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở...

Tất cả những việc làm nói trên đều nhằm “Đền ơn đáp nghĩa” những người, những gia đình đã hy sinh xương máu để đất nước được độc lập, tự do. Và cho đến thời điểm hiện tại, trên 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tuy vậy, một trong những trăn trở của các gia đình liệt sĩ nói riêng và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nói chung là việc xác định danh tính liệt sỹ. Những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực của cả nước, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000 hài cốt liệt sĩ  (thiếu hoàn toàn  thông tin; thiếu một phần thông tin, như chỉ có tên, quê, đơn vị...).

Rất nhiều gia đình liệt sĩ trên toàn quốc hiện nay vẫn lặn lội đi tìm hài cốt thân nhân của mình trong vô vọng vì thiếu thông tin chính xác, không biết nơi hy sinh, nơi mai táng của liệt sỹ. Họ chỉ có tờ giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu. Đây là nỗi trăn trở và trách nhiệm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội!.


Trên 300 nghìn hài cốt liệt sỹ được quy tập tại các nghĩa trang còn thiếu thông tin (Ảnh minh họa: baoninhbinh.org.vn)

Thực tế, sau hơn 40 năm chiến tranh, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ là một vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp. Hiện có 2 phương pháp được áp dụng để xác định danh tính liệt sỹ là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN.

Trong việc giám định ADN, theo những người làm công việc này, khó khăn đầu tiên là hài cốt liệt sĩ đã được chôn cất lâu năm, sự chôn cất ban đầu không được chuẩn bị, thiếu thông tin. Vì vậy khó có thể áp dụng tuần tự các phương pháp từ thấp đến cao do không đủ các yếu tố cho quá trình nhận dạng.

Bên cạnh đó, sau hơn 40 năm việc tìm kiếm người thân của các liệt sỹ cũng không phải dễ dàng. Nhiều trường hợp, đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, cá biệt có những trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu. 

Thêm vào đó, việc chưa ban hành được quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; năng lực của các đơn vị giám định cũng rất hạn chế, do việc đầu tư, nâng cấp chưa thực hiện được nên công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định thấp... cũng là khó khăn với công tác giám định ADN hài cốt liệt sỹ.

Còn công tác xác định danh tính liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng tưởng dễ nhưng cũng lại rất khó khăn. Thực chứng là bằng hồ sơ, bản đồ, di vật để có thể kết luận là liệt sỹ nào. Việc này khó là bởi vì thông tin của liệt sỹ (về đơn vị, quy tập, nơi hi sinh, nơi an táng...), thông tin của cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ về liệt sỹ cũng rất hạn chế.

Đây là những khó khăn trong cuộc hành trình cao cả, nặng nghĩa tình để trả lại tên cho các liệt sỹ. Trong khi đó, các mẹ, các chị, những người thân yêu của liệt sĩ hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi ngóng trông tin tức, ước nguyện tìm được người thân...

Công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt càng để lâu càng khó khăn, phức tạp. Quan trọng hơn, có những bà mẹ, thân nhân liệt sỹ không thể chờ đợi việc tìm kiếm quy tập hài cốt, để thờ cúng lâu hơn được nữa. Để đạt được mục tiêu Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đặt ra đến năm 2020, bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định ADN đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ còn rất nhiều nhiệm vụ cần được quan tâm thực hiện với tất cả lòng tri ân chân thành.

Theo đó, những người làm chính sách với người có công cần nhanh chóng ban hành quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Tổ chức lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa biết thông tin về phần mộ liệt sĩ để phân tích ADN, lưu trữ, so sánh, đối khớp phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Ngày 27/7, biết bao gia đình chưa tìm được phần mộ liệt sỹ đã lấy làm ngày giỗ cho các anh, các chị. Điều này nhắc nhở những người còn sống nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa để trả lại tên cho các liệt sỹ, để ngày các anh, chị  “trở về” không còn xa.../.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực