Hậu Giang ứng phó với tình trạng sạt lở

Thứ năm, 25/05/2017 11:00
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 11 điểm sạt lở đất. Trong đó, huyện Châu Thành là 6 điểm; Phụng Hiệp là 2 điểm, thị xã Ngã Bảy là 1 điểm, Châu Thành A là 2 điểm. Tổng chiều dài sạt lở 289m, diện tích mất đất bờ sông 1.829m2, thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Một điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (Nguồn: Báo Hậu Giang)

Có thể thấy, Châu Thành là huyện có khá nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hai năm gần đây, mỗi năm huyện Châu Thành có gần 60 điểm sạt lở, sụp lún bờ kênh với hàng nghìn m2 đất bị mất. Qua khảo sát thực tế mới đây cho thấy, hiện trên địa bàn huyện có 22 tuyến sông, kênh với hơn 50 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó có nhiều điểm xuất hiện dấu hiệu sạt lở ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang), tình trạng sạt lở đất bờ sông hiện không theo quy luật nữa, vào mùa khô vẫn có tình trạng sạt lở và diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy…liên tục bị sạt lở khiến hàng nghìn m2 đất bị mất, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và diện tích canh tác của người dân.

Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất từ sạt lở đất, các địa phương và ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã vận động người dân trồng cây chống sạt lở, giảm tải trọng bằng cách lấy đất di dời nơi khác khi có dấu hiệu sạt lở hay sụp lún. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch, phương án chủ đồng để phòng, chống sạt lở.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, nhiệm vụ trước mắt của tỉnh này là rà soát lại các tuyến kênh, những khu vực có nguy cơ sạt lở thì cắm biển cảnh báo người dân, về lâu dài địa phương đề xuất với các các bộ, ngành chức năng của trung ương cần có một công trình nghiên cứu tổng thể thực trạng sạt lở đất chung ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, đồng thời đưa ra các giải pháp phòng chống hiệu quả, lâu dài, bền vững.

Từ năm 2013 đến nay, bằng nguồn ngân sách của trung ương và địa phương, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ ổn định nơi ở gần với khu vực bị sạt lở hoặc di dời vào các khu tái định cư, cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho trên 330 hộ dân, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có 8 cụm, tuyến dân cư vượt lũ tọa lạc ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, diện tích đất hiện có tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ đủ để bố trí cho các hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở đất vào ở. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc di dời người dân vào khu vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết thực trạng này, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn; hoàn thành hạ tầng đường, điện, nước; đầu tư xây dựng chợ, khu thương mại tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ này tạo sự yên tâm cho người dân khi vào ở...

Được biết, trong  năm 2016, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra hơn  60 điểm sạt lở đất với tổng chiều dài gần 1.500m, bề rộng từ 3 đến 6m đã làm mất trên 4.000m2 đất. Các vụ sạt lở đất bờ sông xảy ra tập trung ở các địa phương như huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh./.

 

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực