Hiệu quả của công tác tiếp dân phụ thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở

Thứ bảy, 18/03/2017 07:29
(ĐCSVN) - Công tác tiếp dân được xem như nguồn “thông tin đầu vào” của quy trình xử lý, quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của công tác tiếp dân, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung đang ngày một quan tâm, làm tốt công tác này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tiếp xúc cử tri Lào Cai. (Ảnh: Xuân An)

Đây là những nội dung đã được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến công tác tiếp công dân.

Phóng viên (PV): Trước hết xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã dành cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn này. Phó Chủ tịch Quốc hội có thể đưa ra đánh giá chung về công tác tiếp công dân trong bộ máy nhà nước ta thời gian qua?

Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Tôi đã có dịp thăm và kiểm tra công tác tại Trụ sở tiếp dân của Trung ương tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo công tác này ở Quốc hội, tôi nhận thấy công tác tiếp công dân (cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo - KNTC) thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận  thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và công dân ngày càng được nâng lên; pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành tích đạt được trong công tác tiếp công dân khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân. Đặc biệt là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo đã tạo ra những bước chuyển đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, đất đai, hoạt động tư pháp; số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp còn diễn biến phức tạp; một số vụ việc manh động, quá kích, có sự kích động, hỗ trợ của các phần tử xấu; cá biệt có trường hợp cực đoan, quyết liệt chống lại người thi hành công vụ. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Một số vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật, nhưng không được chấp hành nghiêm túc. Tình hình trên nếu không được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo cớ để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

PV: Trong công tác tiếp dân, vai trò của lãnh đạo, chính quyền địa phương, cơ sở là rất quan trọng. Đồng chí hãy chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Đúng như vậy. Có thể thấy rằng, hiệu quả của công tác tiếp dân phụ thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở. Trong các vụ việc được quan tâm thì phần lớn là liên quan đến khiếu nại về đất đai, về đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình quản lý nhà nước. Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để chính quyền địa phương sát sao với cơ sở. Hơn bao giờ hết, cần tăng cường giám sát, chỉ ra thật chính xác địa chỉ, nội dung vụ việc để giải quyết đến cùng. Thực tế cho thấy, gánh nặng cho cơ quan tiếp dân Trung ương sẽ nhẹ bớt đi rất nhiều nếu chính quyền địa phương giải quyết tốt ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các ngành, các cấp trong công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư một cách chặt chẽ.

PV: Vậy trọng tâm công tác tiếp công dân trong thời gian tới là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Tôi cho rằng, trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, chúng ta cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân và cả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và  hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay là:

Cán bộ, lãnh đạo, đặc biệt là các đồng chí trực tiếp làm công tác tiếp dân cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, trong đó có Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chú ý phối hợp tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư một cách chặt chẽ, hiệu quả nhất; chú trọng đến công tác giám sát kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Về phía Quốc hội, Ban dân nguyện với vai trò là cơ quan giúp việc cho UBTVQH trong lĩnh vực này cần tiếp tục chủ động, tăng cường nhân lực, bảo đảm các đơn vị có liên quan đến công tác tiếp công dân.

Cần làm tốt công tác tiếp dân từ cơ sở.  Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong xây dựng chính sách, pháp luật, công tác quản lý nhà nước. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa các cơ quan chức năng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Cuối cùng, các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng giám sát; của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có quy chế đối thoại với công dân, công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào thực chất, bảo đảm hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Thu Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực