Hòa hợp dân tộc là mong muốn lớn nhất của tất cả mọi người dân Việt Nam

Thứ tư, 28/04/2010 21:27

Bồi hồi xúc động về các ký ức chiến tranh, nhưng đồng thời cũng đầy lạc quan, tin tưởng vào tương lai, những nhân chứng lịch sử của ngày 30/4/1975 nay đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” như Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và Luật sư Triệu Quốc Mạnh đều cho rằng: Hòa hợp dân tộc và làm bạn với các nước trên thế giới là mong muốn lớn nhất hiện nay của tất cả mọi người dân Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ chiều 28/4 với Đoàn phóng viên quốc tế đang có mặt tại TP. Hồ Chí Minh nhân dịp lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ nhân sỹ yêu nước thuộc "lực lượng thứ ba" như Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, đến các cựu sỹ quan cao cấp trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước đây như ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Triệu Quốc Mạnh cùng chung sự khẳng định rất rõ ràng rằng chiến thắng ngày 30/4/1975 là một kết quả tất yếu bởi mọi người dân Việt Nam yêu nước đều mong muốn đánh đuổi ngoại xâm và sớm chấm dứt chiến tranh. “Tôi chẳng có đóng góp vĩ đại, lớn lao gì cho cách mạng cả. Những việc tôi làm đều rất bình thường, xuất phát từ chính suy nghĩ của tôi, miễn là có lợi cho việc sớm chấm dứt chiến tranh, cho hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc với niềm vui chan hòa cùng tất cả đồng bào khi có hòa bình, đất nước được thống nhất kể từ ngày 30/4/1975” – ông Triệu Quốc Mạnh bày tỏ.

“Người Việt Nam có câu “không bằng lòng nhau, anh em có thể đánh nhau, nhưng khi hiểu nhau, quý nhau sẽ cùng nắm tay nhau tiến lên phía trước”. Nhìn về ngày 30/4, dù có người nghĩ thế này, thế khác, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam hiện đang vươn lên để tiến kịp với các nước trên thế giới” - Tướng Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ và nêu những minh chứng về sự tiến lên của đất nước: “Sau ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam với tinh thần hòa hợp dân tộc đã và đang khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước. Từ chỗ thiếu ăn, nay Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hiện tại, cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tinh thần hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chủ tịch. Chúng tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm công việc hòa hợp dân tộc này”.

Trước những câu hỏi của các cựu phóng viên Mỹ và một số phóng viên của Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc,… về giai đoạn khó khăn sau năm 1975, các nhân chứng lịch sử đều thẳng thắn thừa nhận sau ngày giải phóng, Việt Nam đã có những giai đoạn thật sự rất khó khăn về kinh tế và đời sống người dân, một phần chính là do chính sách bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ. “Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường thì đất nước đã có sự tiến triển. Đặc biệt là thời điểm hiện nay khi Việt Nam đang phát triển kinh tế rất mạnh mẽ” – ông Triệu Quốc Mạnh nhấn mạnh. Để các nhà báo nước ngoài hiểu rõ hơn về giai đoạn khó khăn sau 1975, Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho biết do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh qua 30 năm của hai cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, do vậy cần phải có thời gian từ từ khắc phục hậu quả chiến tranh để từ đó mới phát triển đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực