Hoàn thiện thể chế về đăng ký tài sản góp phần phòng chống tham nhũng

Thứ sáu, 30/03/2018 17:45
​(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia pháp luật, việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản là giải pháp quan trọng, cần thiết để đẩy mạnh quá trình công khai, minh bạch thông tin về tài sản, đảm bảo sự an toàn của các giao dịch về tài sản trong nền kinh tế, tạo cơ sở tham chiếu quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng…

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện (GIG), thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) đã tổ chức hội thảo Kinh nghiệm Hoa kỳ và Mêhicô về đăng ký bất động sản, động sản và đăng ký tài sản trong giao dịch bảo đảm.

Còn thiếu minh bạch tài sản đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Dự án Quản trị nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện (USAID Việt Nam)  David Anderson khẳng định, việc hoàn thiện chính sách về đăng ký tài sản đặc biệt quan trọng, bởi việc đăng ký tài sản sẽ tạo cú hích cho sự phát triển kinh tế. USAID Việt Nam cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện pháp luật, bảo đảm hơn nữa quyền của cá nhân, tổ chức trong quá trình tham gia giao dịch.

Thực tế, khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng mà hầu hết quốc gia, đặc biệt các quốc gia phát triển trên thế giới đều nghiên cứu, ban hành và điều chỉnh hành vi đăng ký tài sản trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình.

Các chuyên gia pháp luật chia sẻ về thực tiễn và định hướng  hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký tài sản tại Việt Nam. (Ảnh: TH).


Theo bà Nguyễn Chi Lan (Phó Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp), các giai đoạn của mua bán, chuyển nhượng, đăng ký, công bố quyền đối với tài sản của Việt Nam hiện nay được điều chỉnh trong khoảng 64 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Hiến pháp, 26 luật bộ luật, 18 nghị định, 19 thông tư, một quyết định của Bộ trưởng. 

Tuy nhiên, hệ thống văn bản này đang thiếu nguyên tắc và định hướng chung khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản mà theo thông lệ, kinh nghiệm lập pháp của thế giới về đăng ký tài sản đều hướng đến và làm rõ. Đồng thời, còn thiếu cơ sở pháp lý về đăng ký đối với một số loại quyền khác không phải là quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm: quyền hưởng dụng; quyền bề mặt. Thiếu cơ chế đăng ký theo yêu cầu đối với một số loại tài sản, một số quyền khác về tài sản hoặc hạn chế quyền đối với tài sản...

“Nếu vẫn tiếp diễn, Nhà nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực tài sản Nhà nước cần quản lý, khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng tài sản, trong việc công khai, minh bạch tài sản đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng và người dân chưa thật sự có được sự an toàn pháp lý trong các giao dịch về tài sản”, bà Lan nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Mexico trong lĩnh vực pháp luật về đăng ký tài sản; Một số vấn đề thực tiễn và định hướng chính sách hoàn thiện các quy định pháp luật về đăng ký tài sản tại Việt Nam …

Dẫn số liệu qua 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới xác minh được 4.895 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực, ông Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự) cho rằng: “Thực tế công tác kê khai tài sản chưa đảm bảo có được đủ thông tin về nguồn gốc tài sản. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng” - ông Quang nói.

Ông Đặng Trường Sơn (Ngân hàng ACB) cho hay nhiều trường hợp ký kết hợp đồng tài sản đã được cơ quan chức năng về xác minh, làm đủ hết các bước nhưng đến khi có tranh chấp ra tòa, chỉ cần một tờ giấy viết tay nói tài sản này trước đó đã có giao dịch thì tài sản đó bị đóng băng. Đây chính là bất cập của hoạt động đăng ký tài sản hiện nay.

Tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí khi đăng ký giao dịch bảo đảm

Theo TS. Vũ Thị Hồng Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội: Trong hệ thống pháp luật hiện hành, chưa có một hình thức chế tài hay không có quy định nào về những hậu quả pháp lý mà chủ thể có nghĩa vụ đăng ký mà không thực hiện việc đăng ký. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Luật đăng ký tài sản, trong đó quy định cụ thể chủ thể thực hiện việc đăng ký và hệ quả không đăng ký đối với các trường hợp bắt buộc phải đăng ký.

Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chỉ ra, việc đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, thủ tục rườm rà như hiện nay đang gây khó khăn vướng mắc, phiền toái cho người dân, doanh nghiệp khi khai thác tài sản, đưa tài sản vào lưu thông là không hợp lý. Việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản để khắc phục tình trạng tản mạn, thiếu thống nhất là cần thiết. Tuy nhiên, ông Lượng nêu rõ, điều quan trọng nhất khi hoàn thiện pháp luật là các quy định phải đáp ứng được yêu cầu dù đăng ký tài sản thuộc trường hợp bắt buộc hay theo yêu cầu của chủ tài sản phải tạo cho chủ có quyền sở hữu, quyền sử dụng, chủ có quyền khác đối với tài sản khai thác tài sản của mình được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đặc biệt là giảm chi phí khi muốn đưa tài sản vào tham gia giao dịch trên thị trường, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong xu thế hội nhập.

Bà Phạm Thị Thịnh (Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường) lưu ý, việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản cần dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế xã hội. Cần nhìn nhận thực tiễn trong nước và nước ngoài để đảm bảo tính khả thi của pháp luật./.

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực