Kết thúc 3 ngày chất vấn tại Quốc hội: Thẳng thắn và nhiệt huyết

Thứ năm, 15/06/2017 20:24
(ĐCSVN) – Sự tranh luận sôi nổi giữa đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đã làm rõ vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, giúp các trưởng ngành nhìn nhận đầy đủ về trách nhiệm của mình.

Chiều 15/6, Quốc hội đã kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách.

Trước đó, 4 Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã hoàn thành phần trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội.

Có thể khẳng định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã để lại ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa tới cử tri cả nước. Bản thân nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, cầu thị vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ảnh: KT

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đánh giá từ góc độ là người đã tham gia Quốc hội nhiều năm thì tôi thấy phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có bước tiến khá dài. Đặc biệt khi đây mới chỉ là kỳ họp thứ 3, là cuộc chất vấn thứ hai Quốc hội khóa XIV, trong đó có rất nhiều đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu. Tôi thấy lượng đại biểu tham gia đặt câu hỏi đông rất đáng mừng, bản thân tôi đăng kí nhưng nhiều khi cũng không đến lượt. Mặt khác, thời lượng chất vấn đã kéo dài hơn, cách điều hành cũng tốt hơn. Nhưng từ đó cũng đặt ra vấn đề là thời lượng thì ít nhưng nếu cứ chất vấn thế này thì sẽ có nhiều đại biểu không được hỏi. Tôi cũng hy vọng ngoài việc kéo dài thời lượng chất vấn tại kỳ họp thì cần tăng cường hơn nữa việc chất vấn và trả lời tại những phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây sẽ là cơ hội tốt hơn để mở rộng hơn nữa cường độ, thời gian của chất vấn. Tôi cũng nhấn mạnh, chất vấn mang lại hiệu ứng tốt, không chỉ là các đại biểu chất vấn các vị Bộ trưởng mà người dân cũng có thể giám sát được chính các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất sát những vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Và từ thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của ngành, các Bộ trưởng đã tập trung trả lời các đại biểu. Phần trả lời đã đáp ứng phần nào yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Về cơ bản tôi đồng tình với phát biểu của các vị Bộ trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn có những lúc, có những thời điểm, có những Bộ trưởng chưa làm hài lòng đại biểu Quốc hội cũng như cử tri.

Riêng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi đánh giá Bộ trưởng đã tiếp cận vấn đề rất toàn diện. Bản thân tôi đã chất vấn một số vấn đề trong đó có vấn đề phân bón. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng vì đất nước 60 triệu dân liên quan đến nông nghiệp, gần 16 triệu hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng chúng ta chưa làm chủ được, chưa kiểm soát được thị trường phân bón. Theo như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có đến hơn 7.000 loại phân bón. Trong quá trình kiểm tra thì phát hiện trên 50% mẫu phân bón đang lưu hành trên thị trường là phân bón giả, kém chất lượng. Quan trọng nhất, hậu quả cuối cùng là người dân mất niềm tin, thiệt hại nông nghiệp là rất lớn. Tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  phải tiếp tục quan tâm vấn đề này, ở đây có trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ thanh tra kiểm tra chưa tốt, xử lý chưa nghiêm.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long). Ảnh: KT

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Đây là một phiên chất vấn rất thành công, điều này thể hiện ở 2 khía cạnh. Một là, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh chương trình kỳ họp tăng thêm nửa ngày, từ 2,5 lên 3 ngày dành cho chất vấn và trả lời chất vấn dù số lượng các thành viên Chính phủ trả lời không thay đổi là 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Thứ hai, tôi thấy buổi chất vấn nào cũng có số đại biểu Quốc hội đăng kí nêu câu hỏi chất vấn đông. Đặc biệt, không chỉ chất vấn, số lượng đại biểu đăng kí tranh luận cũng rất nhiều. Nhiều đại biểu sau khi nghe trả lời của Bộ trưởng với nội dung của mình hoặc nội dung của đại biểu khác nêu mà chưa thỏa mãn thì đã tranh luận trực tiếp tại Hội trường.

Tôi cho rằng chính việc tăng thời gian, số lượng đại biểu được nêu câu hỏi nhiều hơn nên những vấn đề mang ra chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã được giải quyết tương đối rõ, gọn, đi sâu vào kết quả cụ thể trong việc điều hành của các thành viên Chính phủ. Đồng thời, không khí các phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, thẳng thắn. Tôi cho đó là cách làm việc rất tốt, Quốc hội cần tiếp tục duy trì cách thức, không khí như tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này.

Theo tôi phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công có sự đóng góp quan trọng trong điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chủ tịch Quốc hội đã rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất dứt khoát. Tôi ví dụ, có những vấn đề Chủ tịch Quốc hội đã quyết định gợi ý người trả lời chất vấn có thể gom lại, có nội dung có thể trả lời bằng văn bản, có những nội dung chưa cần trả lời ngay vì không liên quan trực tiếp đến nội dung chất vấn. Chủ tịch Quốc hội điều hành cũng rất linh hoạt khi ở phần đầu chất vấn thì để các đại biểu dùng hết quyền cũng như thời gian để nêu câu hỏi nhưng khi phiên chất vấn diễn ra 1 thời gian, có những nội dung trùng nhau, thời gian còn ít mà lượng đại biểu đăng kí nêu câu hỏi còn nhiều thì Chủ tịch Quốc hội lại đề nghị đại biểu không nêu các câu hỏi mà các đại biểu trước đã nêu, tập trung vào nội dung chính muốn truyền đạt mà không thiên về diễn giải. Những điều này thể hiện sự linh hoạt trong điều hành của Chủ tịch Quốc hội, vừa nhẹ nhàng nhưng cũng rất cương quyết góp phần giúp phiên chất vấn rất thành công.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhẹ nhàng nhưng vẫn sâu sắc, nội dung đúng, phản ánh trúng những vấn đề bức xúc trong thực tiễn cuộc sống và phản ánh tâm tư của người dân. Rất nhiều đại biểu không chỉ đặt câu hỏi mà còn tranh luận đến cùng của vấn đề, đó là sự đổi mới và cũng là thể hiện sự nhiệt huyết của các đại biểu.

Về phần trả lời của các Bộ trưởng, trừ Bộ trưởng Bộ Y tế là lần trả lời chất vấn thứ hai thì các Bộ trưởng khác lần đầu tiên trả lời nhưng vẫn bình tĩnh, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, không né tránh những vấn đề đại biểu nêu. Các Bộ trưởng cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm về phía Bộ mình và có lời hứa, cam kết nhận trách nhiệm trong thời gian tới. Những nội dung này chúng tôi sẽ tổng hợp để đưa vào Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ tiếp tục giám sát những nội dung Bộ trưởng đã hứa trước đại biểu để đến kỳ họp sau có căn cứ đánh giá lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng.

Tại các phiên chất vấn lần này, các đại biểu không chỉ tranh luận với Bộ trưởng mà còn tranh luận với nhau về những vấn đề còn nhiều vướng mắc để cùng nhau làm rõ vấn đề. Qua tranh luận, bản thân Bộ trưởng cũng sẽ thấy nội dung đó rõ hơn, cử tri cả nước cũng sẽ nghe được và hiểu thêm các vấn đề.

Bên cạnh việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng cũng đã giải trình thêm. Đây không phải là việc mới, nhưng trên một tầm bao quát của Chính phủ thì đây là việc rất tốt vì có những vấn đề liên quan đến nhiều Bộ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, lần đầu tiên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đăng đàn trả lời với tư cách là người thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các đại biểu đã đặt ra rất nhiều vấn đề, trong đó có cả những vấn đề mà các Bộ trưởng đã giải quyết, có những vấn đề kinh tế-xã hội rất khó. Tôi thấy Phó Thủ tướng đã đi vào những trọng tâm lớn vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Với quan tâm của nhiều đại biểu về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết đã được mấy kỳ họp xem xét đến. Phó Thủ tướng đã nêu những giải pháp lớn, những giải pháp chung để chỉ đạo giải quyết vấn đề giao thông đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vấn đề mà đại biểu đặt ra là đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương-Cần Thơ. Tôi chắc chắn Chính phủ sẽ có sự quan tâm thỏa đáng về vấn đề này.

Tôi cũng đã gửi đến Phó Thủ tướng vấn đề mà tôi rất quan tâm đó là công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ là làm sao để lãnh đạo chỉ đạo công tác này trong phạm vi của mình. Phó Thủ tướng đã đề cập đến công tác làm thế nào để cơ quan điều tra, đào tạo và thực hiện tốt chức năng của mình. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề lớn đặt ra để Chính phủ tiếp tục thực hiện cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực