Khai mạc phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ hai, 12/03/2018 16:03
(ĐCSVN) - Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia làm hai đợt với nhiều nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Sáng 12/3, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội,Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Hai Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Đợt 1 phiên họp diễn ra từ ngày 12 -13/03, UBTVQH cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

UBTVQH cũng xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Tại đợt 2, phiên họp diễn ra từ ngày 19 - 20/3, UBTVQH  tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề.

Một là, các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định bảo đảm chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Chịu trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; cùng với đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Hai là, hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chịu trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Phiên chất vấn lần này sẽ áp dụng hình thức chất vấn - trả lời ngay.

 Trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 22, UBTVQH sẽ cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

 Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình phiên họp thứ 22 đã có nhiều điều chỉnh đối với các nội dung như: Không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Rút 03 dự án luật do chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ  chuẩn bị, gồm dự án Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị và dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Cần thiết ban hành Nghị định quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Sau khai mạc, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, từ ngày 01/01/2017, Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 chính thức có hiệu lực, trong đó thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, thực hiện theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13.

Tuy nhiên, Luật Giá không quy định đối tượng miễn hoặc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được quy định tại Điều 36 Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2018.

Do đó từ ngày 01/01/2017 đến 30/6/2018, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước.

Để kịp thời khắc phục khoảng trống pháp lý trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật Phí và lệ phí (từ ngày 01/01/2017) đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (từ ngày 30/6/2018) đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội đã thực hiện bằng chính sách miễn thu thủy lợi phí từ năm 2008 - 2016, việc ban hành Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là cần thiết và cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, về cơ bản các nội dung dự thảo Nghị định được kế thừa các nội dung dự thảo đã trình UBTVQH; căn cứ các nội dung tại Luật Phí và lệ phí; Luật Giá; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Về mức hỗ trợ tương đương với mức cấp bù do miễn thu thủy lợi phí theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, số kinh phí đã bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương là 6.346 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí ổn định trong giai đoạn 2017 - 2020.

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với thời hạn hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi từ ngày 01/01/2017, vì việc quy định thời hạn trở về trước nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của đại đa số người nông dân, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, qua rà soát, cơ quan thẩm tra nhận thấy, dự thảo Nghị định đã quy định đối tượng hẹp hơn so với điểm a, khoản 4, Điều 1 của Nghị định 67/NĐ-CP, theo đó chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm... trong khi Nghị định 67 quy định rộng hơn, bao gồm tất cả các đối tượng (pháp nhân và cá nhân). Do đó, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đối tượng cho phù hợp với Nghị định 67/NĐ-CP.

Về mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát để bảo đảm thống nhất về các quy định nào đã được áp dụng để hỗ trợ trong năm 2017 và lập dự toán trong năm 2018 để bổ sung hoặc loại bỏ trong dự thảo Nghị định.

Sau các ý kiến phát biểu phát biểu, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH thống nhất với Chính phủ về việc ban hành nghị định để quy định đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong giai đoạn từ ngày 01/01/2017 đến 30/6/2018 để khắc phục khoảng trống pháp lý khi mà Luật Phí và lệ phí hết hiệu lực và Luật Thủy lợi chính thức có hiệu lực thi hành.

UBTVQH cơ bản thống nhất về đối tượng, phương thức hỗ trợ, mức hỗ trợ theo Tờ trình của Chính phủ, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách nhà nước.

UBTVQH đề nghị, Chính phủ rà soát lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên tinh thần của Nghị định 67 không để sót, lọt các đối tượng đã được hưởng và không thêm đối tượng mới; lưu ý cần phải có cơ chế khuyến khích khi chuyển đổi mục đích sử dụng kém hiệu quả. Về mức hỗ trợ, UBTVQH tán thành với tỉ lệ như Tờ trình của Chính phủ là mức giá tối đa nhưng mức giá hỗ trợ phải căn cứ trên giá thực tế của đơn vị khai thác công bố tại thời điểm hỗ trợ. Ngoài ra các quy định của Nghị định cũng cần được rà soát bảo đảm chính sách cho người nghèo, tăng cường quản lý tài nguyên nước, tránh thất thoát lãng phí.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực