Khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản từ năm 2017

Thứ ba, 11/07/2017 17:15
(ĐCSVN) – 6 tháng đầu năm 2017, số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, nhất là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, dẫn đến tình trạng khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 41 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, trong đó có 27/41 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.


Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Tuy nhiên, số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn khá nhiều, nhất là các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cụ thể, 6  tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nợ ban hành hoặc trình ban hành 02 nghị định gồm: Nghị định của Chính phủ quy định về quản  lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại, quy định chi tiết Luật Ngân sách nhà nước - có hiệu lực từ ngày 01/01/2017; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định chi tiết Luật Trẻ em – có hiệu lực từ 01/6/2017 và 13 thông tư, dẫn đến khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017.

Thống kê cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành tăng ở cấp Trung ương và giảm mạnh ở các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã, phù hợp với quy định mới của Luật Ban hành VBQPPL. 6 tháng đầu năm, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 523 VBQPPL (tăng 93 văn bản so với cùng kỳ 2016); các địa phương ban hành 1.520 VBQPPL cấp tỉnh (giảm 28 văn bản so với cùng kỳ 2016), 1.846 VBQPPL cấp huyện (giảm 36,8% so với cùng kỳ 2016) và 14.114 VBQPPL cấp xã (giảm gần 50% so với cùng kỳ 2016).

Theo Bộ Tư pháp, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự quan tâm của  một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu đối với công tác tư pháp, pháp chế, nhất là trong xây dựng pháp luật, trong bố trí, sắp xếp cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế và điều kiện bảo đảm cho các công tác này; chưa phát huy hết vai trò tham mưu của một số tổ chức pháp chế trong công tác soạn thảo, thẩm định VBQPPL và khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng lưu ý, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết bắt đầu có hiện tượng ngày càng nhiều hơn, dù 1 – 2 năm trước đã khắc phục được cơ bản. Trên cơ sở đó, mong muốn cần sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực