Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển

Thứ tư, 15/05/2019 18:59
(ĐCSVN) – Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo; xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ngày 15/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Việt Nam luôn xác định KH&CN có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KH&CN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa KH&CN không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội…

Việt Nam cũng đã triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như: Israel, Canada, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để từng bước hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt ở Việt Nam. Với tác động rộng lớn của cuộc cách mạng công nghệ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường năng lực, thúc đẩy hợp tác với các nước và các tổ chức công nghệ hàng đầu để có thể đóng góp hiệu quả cho việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế dựa trên công nghệ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ KH&CN, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Sáng tạo phát triển quốc tế lần đầu tiên tổ chức hội nghị tại Việt Nam về chủ đề rất quan trọng “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Thủ tướng ghi nhận kết quả hợp tác giữa Bộ KH&CN với Bộ Ngoại giao, Thương mại Australia và Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu công phu, xây dựng các báo cáo chất lượng về tương lai kinh tế số của Việt Nam, đặc biệt là báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2035, đưa đánh giá và những khuyến nghị, giải pháp, chính sách cụ thể rất hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và xa hơn nữa.

Thủ tướng nêu rõ: Các mô hình tăng trưởng tân cổ điển đều chú trọng vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ con người.

Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới là yếu tố quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá, vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy, bí quyết về con người, công nghệ chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập như: Nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện; Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ; Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn non trẻ, manh mún...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Xác định KHCN và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KH&CN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; trình Thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam đã có những thành công nhất định trong đổi mới sáng tạo. Đây là những công cụ hữu ích hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua.

Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia tại hội nghị là những thông tin quý báu, hữu ích, đóng góp cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực