Khởi công dự án 390 triệu USD xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa

Thứ năm, 05/12/2019 16:30
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ Dự án với mục tiêu chung đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, đặc biệt chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn...

Ngày 5/12, TP Biên Hòa (Đồng Nai), Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam (PK-KQ), Bộ Quốc phòng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa và ký thỏa thuận triển khai dự án 65 triệu đô la nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường; Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland; Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour; Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi công.

Phát biểu buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đã nỗ lực, cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ thực hiện khối lượng công việc lớn để khởi công Dự án và tiến hành ký kết bản thỏa thuận hỗ trợ người khuyết tật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái nặng nề. Hiện ngoài các điểm ô nhiễm vẫn chưa được tẩy độc như tại khu vực sân bay Biên Hòa, còn có thêm 3,6 triệu ha rừng đã bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó thế hệ thứ 2, thứ 3 là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm vẫn đang chịu những di chứng nghiêm trọng.

Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh và thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, vừa đảm bảo những yếu tố cốt lõi cho đất nước phát triển vững bền, thịnh vượng.

Sự kiện khởi công sự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 và Lễ ký kết thỏa thuận viện trợ dự án hỗ trợ người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam thể hiện cam kết mạnh mẽ của phía Hoa Kỳ cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do chiến tranh để lại đối với cả môi trường và con người tại Việt Nam.

“Hôm nay đây, điểm nóng dioxin lớn nhất, phức tạp nhất tại Việt Nam chính thức được bắt đầu xử lý, niềm mong mỏi của người dân khu vực sân bay Biên Hòa được đáp ứng. Tôi tin rằng khi dự án hoàn thành, điểm nóng dioxin khu vực này chỉ còn trong sử sách, người dân hoàn toàn yên tâm sinh sống, thành phố Biên Hòa sẽ có diện tích lớn đất sạch để phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng cuộc sống hòa bình trong tương lai” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

 
 USAID cũng ký một thỏa thuận với NACCET về khoản tài trợ 65 triệu đô la nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ Dự án với mục tiêu chung đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, đặc biệt chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn, tuyệt đối phòng tránh phơi nhiễm dioxin của các công nhân, bộ đội, nhân dân địa phương. Đặc biệt lưu ý việc đảm bảo xử lý triệt để theo Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe con người và môi trường trong toàn bộ quá trình xử lý. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân thực hiện đúng chức năng quản lý chuyên ngành, chấp hành nghiêm các quy trình. Trong đó làm tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng giám sát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, chặt chẽ quá trình thi công thực hiện Dự án, đảm bảo nguồn vốn đầu tư, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Dự án xử lý chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa; các đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công cần có giải pháp bố trí nhân lực hợp lý, năng lực kỹ thuật, đầy đủ trang thiết bị tổ chức thi công phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường; quá trình thi công đảm bảo tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, tuyệt đối an toàn bảo đảm chất lượng cao và theo đúng tiến độ đã phê duyệt; phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện quản lý, giám sát tốt việc triển khai Dự án; Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường phát huy vai trò đầu mối hợp tác quốc tế và tiếp nhận, chủ trì tổ chức quản lý, sử dụng tốt các nguồn tài trợ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc học và xử lý ô nhiễm môi trường…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh với trách nhiệm của mình Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để 2 Dự án này được triển khai thuận lợi và có hiệu quả thiết thực, mang lại cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho người dân.

 
Khởi công dự án 390 triệu USD xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa 

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam dioxin là dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa nội dung trong Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ; thể hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong sự phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam và tin tưởng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng Chính phủ Việt Nam xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả của chất độc hóa học đối với con người tại Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: Khu vực sân bay Biên Hòa là điểm nóng nhất trong các điểm nóng ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin với diện tích đất trên 52 ha cần phải xử lý, tẩy độc, ước tính khối lượng đất là hơn 500 ngàn mét khối cần phải xử lý ô nhiễm dioxin. Với quy mô ô nhiễm dioxin rất lớn tại sân bay Biên Hòa và tính chất phức tạp của nó đòi hỏi những yêu cầu cao về lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp để xử lý triệt để dioxin, bảo đảm an toàn đối với con người, môi trường, cùng với đó việc bảo đảm nguồn ngân sách rất lớn (khoảng trên 400 triệu USD)... Đây là những thách thức được đặt ra, nhưng với sự nỗ lực của hai phía Việt Nam, Hoa Kỳ và với bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút qua Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng Dự án Xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa sẽ thành công.

Thay mặt Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Thướng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng Chính phủ Việt Nam xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả của chất độc hóa học đối với con người tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để thực hiện thành công các dự án, trong đó trước mắt thực hiện thành công dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 và dự án hỗ trợ người khuyết tật.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia đang thực hiện các hoạt động thực địa, quan trắc tại khu vực dự án xử lý ô nhiễm dioxin thuộc sân bay Biên Hoà.

Tại buổi lễ, Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland nhấn mạnh: “Không những chúng ta sẽ hợp tác để giảm thiểu nguy cơ và bảo đảm an toàn cho các cộng đồng xung quanh mà chúng ta sẽ còn một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung.”

Quân chủng PK-KQ đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía tây sân bay (khu vực Pacer Ivy) cho USAID để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án Xử lý ô nhiễm Dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án, đồng thời các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu được triển khai. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó là xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết khoản kinh phí 300 triệu đô la để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh và dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 với mục tiêu xử lý triệt để 150.000 m3 đất trầm tích bị ô nhiễm dioxin, xử lý toàn bộ nước thải và nước nhiễm bẩn dioxin vượt ngưỡng cho phép. Từ tháng 4/2019, USAID tiếp tục phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân của Việt Nam triển khai dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) có tổng kinh phí 390 triệu USD, được thực hiện trong 10 năm.  

Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam, bao gồm 10 tỉnh, có tổng số vốn 65 triệu USD, không hoàn lại, được chia thành nhiều đợt, thực hiện từ 2019 đến 2024.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực