“Không ai dũng cảm xung phong giải cứu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”

Thứ năm, 26/10/2017 11:17
(ĐCSVN) – Cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì không ai dũng cảm xung phong vào giải cứu các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt bởi việc này được ví như tháo ngòi nổ của bom…
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu tại hội trường sáng 26/10 (Ảnh: KT)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Như tháo ngòi nổ của bom

Thảo luận về dự luật này, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ quan tâm về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Đại biểu nhận xét: sau khi nhìn lại các vụ đại án liên quan các TCTD đã xét xử những năm gần đây đã chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn nhất là việc giải quyết xử lý hậu quả các TCTD yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan. Chính vì vậy việc phân công con người hoặc buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt. Vị đại biểu thẳng thắn phát biểu “Bởi lẽ cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì không ai dũng cảm xung phong vào giải cứu các TCTD được kiểm soát đặc biệt rất là khó khăn, đặc biệt cũng là lo lắng cho bản thân và gia đình”.

Vẫn theo đại biểu, qua tìm hiểu, nhiều cán bộ có năng lực, trách nhiệm sang làm nhiệm vụ này họ ví như đang tháo ngòi nổ của bom vì việc cơ cấu lại xử lý một TCTD yếu kém rất phức tạp, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt cần có các quyết định, giải pháp xử lý hậu quả thậm chí không có tiền lệ, cũng như chưa có quy định pháp luật rõ ràng nhằm ngăn chặn kịp thời, giải quyết rủi ro làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của cả hệ thống TCTD, nhất là đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém ngay tại dự thảo luật nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém. Con người vẫn là nhân tố quyết định để tái cơ cấu các TCTD hiệu quả.

Đại biểu cho rằng việc này cũng phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bởi lẽ một số nước trên thế giới có quy định về miễn trách nhiệm với cán bộ tham gia vào quá trình này, tuy nhiên đây không phải là quy định vô điều kiện mà phải đáp ứng các điều kiện về phạm vi quyền hạn, nếu người đang thực hiện nhiệm vụ được giao công tâm, trung thực, khách quan, không vụ lợi, đúng mục tiêu nhiệm vụ.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank cho biết Vietinbank  đang có lượng lớn cán bộ tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng. "Có thể nói anh em vất vả khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có, thực hiện công việc rất nặng nề. Nhiều công việc luật không quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh. Họ rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong trường hợp đã cống hiến hết mình, đã công tâm, trung thực trong công việc" - đại biểu Nguyễn Văn Thắng nêu kiến nghị từ thực tiễn.

Không sử dụng ngân sách nhà nước

Nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trước một số ý kiến của các đoàn ĐBQH đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, bảo  đảm cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các TCTD yếu kém.

Thống nhất quy định này song đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị cần có tiêu chí toàn diện, bổ sung các quy định, giải pháp về nguồn lực phù hợp tùy từng thời điểm, giai đoạn với từng TCTD nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh trường hợp người gửi tiền rút tiền gây ra hiệu ứng domino gây đổ vỡ dây chuyền làm phá sản các TCTD gây hậu quả lớn.

Cũng đề cập đến nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong tái cơ cấu các TCTD yếu kém, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận xét đối chiếu quy định của dự thảo Luật, trong một số trường hợp chưa được quán triệt triệt để. Đại biểu ví dụ “với các khoản vay đặc biệt có mức ưu đãi 0%, dự thảo Luật chưa làm rõ các TCTD sau khi được hưởng những khoản vay này nhưng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản và không thể thanh toán được thì sẽ xử lý như thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm các khoản vay này?’.

Ngoài ra, đại biểu nêu rõ, trong dự thảo Luật cũng như ở một số văn bản mang tính chỉ đạo gần đây có sử dụng khái niệm "không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các TCTD yếu kém". “Quy định như vậy tức là có thể sử dụng ngân sách gián tiếp? Do đó không nên sử dụng khái niệm trực tiếp hay gián tiếp vì gián tiếp cũng không nên" - Đại biểu Lưu Mai kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh bắt đầu nhiệm kỳ này Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nỗ lực rất lớn duy trì sự ổn định nền tài chính quốc gia đóng góp tăng trưởng rất mạnh trong quý 3. Tuy vậy đại biểu phản ánh băn khoăn của người dân và cử tri việc sử dụng ngân sách hay không và tác động như thế nào cho ngân sách nhà nước. Đại biểu phát biểu: “Theo tôi được biết, ở nước ngoài họ thừa nhận sử dụng thuế của dân nhưng họ có phương án tái cơ cấu, phục hồi đến một lúc nào đó vài ba năm bán lại và có lời. Trong quá trình này họ kiểm soát minh bạch. Tôi nhớ, Tổng thống Obama trong bài phát biểu tranh cử có cam kết “bảo đảm rằng cử tri được giám sát từng đồng đô la một của gói giải cứu đó”. Tôi nghĩ, chúng ta giải cứu để đạt được cái gì, chứ không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%, cái đó nếu như ảnh hưởng chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết. Và cuối cùng sự ảnh hưởng là bao nhiêu đó sau bao nhiêu năm đạt hiệu quả gì, chúng ta phải trả lời trước cử tri, không nên né tránh và hoàn toàn có thể thiết kế cơ chế để chúng ta minh bạch”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực