Không có vùng cấm trong kiểm tra tài sản cán bộ cấp cao

Thứ hai, 29/05/2017 13:03
(ĐCSVN) – Đây là khẳng định của bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khi trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV ngày 29-5, xung quanh quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản các đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị vừa ban hành.

PV: Cử tri, nhân dân rất ủng hộ khi Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản các đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhưng có ý kiến vẫn lo ngại, sẽ có “vùng cấm” trong kiểm tra?

ĐB Lê Thị Thủy: Quy định này là của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đối tượng nằm trong quy định này sẽ không có vùng cấm.

PV: Như vậy, dù cán bộ cấp cao nghỉ hưu nếu có dấu hiệu sai phạm thì vẫn có thể kiểm tra được?

ĐB Lê Thị Thủy: Trong quy định đã nói rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà khi có 3 căn cứ sau  sẽ phải kiểm tra.

Thứ nhất, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Tiếp theo, trường hợp xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Và cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: HT).

PV: Thưa bà, với các cán bộ cấp cao liệu có cần đủ cả 3 căn cứ mới điều tra, xác minh hay chỉ cần 1 căn cứ thôi đã tiến hành?

 

ĐB Lê Thị Thủy: Tức là trong 3 căn cứ đó thì chỉ cần 1 căn cứ như tôi đã nêu ở trên, không cần đủ cả 3 căn cứ.

PV: Một vấn đề trong xử lý án tham nhũng hiện nay là việc xác minh nguồn gốc tài sản tham nhũng. Quy định này có thúc đẩy, tháo gỡ  khó khăn cho việc này không, thưa bà?

ĐB Lê Thị Thủy: Quy trình xử lý các vụ án là do cơ quan tố tụng tiến hành và người ta làm như thế nào vừa đúng quy định, vừa đảm bảo xét xử nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, khách quan là trách nhiệm của họ.

PV: Song, cũng có ý kiến lo ngại, có hay không tình trạng né tránh kiểm tra đối với cán bộ cấp cao. Làm sao có thể giám sát để quy định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả?

ĐB Lê Thị Thủy: Việc này là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao nhiệm vụ thì sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có né tránh.

PV: Thời gian tới, việc xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như thế nào để đưa quy định này vào cuộc sống?

ĐB Lê Thị Thủy: Việc này do Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngày 23/5, Bộ Chính trị mới ký ban hành quy định này và Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa họp nên chưa có thông tin, kế hoạch cụ thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):  Cần  cương quyết trong xử lý cán bộ kê khai sai tài sản

Đây là vấn đề Đảng, Nhà nước đã có tổng kết và nhiều nghiên cứu rồi. Các cơ quan chức năng đã  đưa ra các nguyên nhân không hiệu quả nhưng nguyên nhân đầu tiên là người kê khai không trung thực. Không trung thực thì rất khó thậm chí tẩu tán cũng đã xảy ra; đã phát hiện nhiều trường hợp và có những đồng chí đã bị miễn nhiệm chức vụ và kỷ luật vì không trung thực. Thứ hai là việc kê khai từ trước đến nay không đưa vào quá trình giám sát, tức là chúng ta kê khai và cất nó đi. Thứ ba là không minh bạch, không để cho những người khác có thể kiểm soát được mà chỉ ở trong phạm vi nhỏ. Đến khi một đồng chí nào đó bị phát giác lúc đó mới lôi bản kê khai ra lúc đó mới phát hiện ra, thậm chí lúc chúng ta xem xét các vấn đề thì tài sản đó đã đi rất nhiều vòng rồi, qua nhiều chủ rồi cho nên không hiệu quả lắm. Đặc biệt là cách xử lý của chúng ta, thái độ xử lý chưa cương quyết lắm đối với những trường hợp này.  Tôi cho rằng, cán bộ kê khai sai thì phải mất chức, tại sao như vậy vì đã sử dụng bản kê khai này làm điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm, bầu cử. Cho nên nếu  kê khai không trung thực thì anh phải bị xử lý. Tôi nghĩ cần phải cương quyết.

Bản thân tôi, cử tri và nhiều người cũng kỳ vọng và đặt niềm tin rất là lớn vào công việc sắp tới phải làm. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn liệu có xử lý một cách rốt ráo không?. Liệu những người đứng ra trực tiếp làm cái này có đủ năng lực và đủ độ tin cậy để làm không?. Và liệu kết luận này có được triển khai thực hiện rốt ráo khi chúng ta phát hiện ra hay không?. Người dân có được kiểm soát, xem xét, thông tin về những vấn đề mà kết quả chúng ta kiểm tra giám sát hay không?.

Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu ý kiến của nhân dân, cử tri và ĐBQH để chúng ta quy định và tiến hành công việc này cho thực sự có hiệu quả mang lại niềm tin của nhân dân cho Đảng, Chính phủ.  


Thu Hằng (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực