Không để phát sinh giấy phép con, tạo thuận lợi hơn cho người trồng trọt

Thứ năm, 09/08/2018 15:35
(ĐCSVN) - Đồng tình dự thảo Luật Trồng trọt đã hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn các quy định trong dự thảo Luật phát sinh giấy phép con, gây khó khăn cho các đối tượng tác động của luật, nhất là người nông dân…

Sáng 9/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính

Tiếp thu, chỉnh lý một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt, cụ thể vấn đề quản lý giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội ( ĐBQH) trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự thảo Luật đã quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính; điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính; bỏ quy định về thành lập Hội đồng tư vấn giống cây trồng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: quochoi.vn.

Dự thảo Luật quy định việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2, Điều 14 Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn của quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính là 07 năm đối với cây hàng năm, là 15 năm đối với cây lâu năm để bảo đảm duy trì chất lượng giống.

“Thời hạn này cũng phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính trong nông nghiệp hiện nay, không làm xáo trộn lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định khuyến khích sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm phân bón hữu cơ và các mục đích khác; bổ sung quy định về sử dụng phụ phẩm cây trồng...

Giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho người trồng trọt

Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn, việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính có cần thiết hay không?.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc thêm quy định này sẽ đẻ thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các đối tượng tác động của luật, nhất là người nông dân. Trong khi đó, theo ông Phúc, đối với những sản phẩm tốt, lâu đời đã được thị trường khẳng định trong nhiều năm qua như cây vải, cây nhãn,… thì không cần thiết phải có Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: Dự thảo Luật có 21 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, 8 điều giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định. “Các quy định dưới luật liệu có bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính và giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho người trồng trọt?”, ông Thanh đặt vấn đề.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, dự thảo Luật quy định cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón đối với người kinh doanh phân bón là khó khả thi. Bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện đi học bồi dưỡng chuyên môn hay khảo nghiệm về phân bón.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là dự án Luật rất quan trọng bởi nước ta có đến 70% dân số làm nông nghiệp và đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, khai thác thế mạnh của trồng trọt. Luật này ra đời phải phát huy lợi thế, giải phóng những vấn đề gây ách tắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp và đời sống nông dân. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các quy định trong dự thảo luật đảm bảo tính chặt chẽ, đừng để có quá nhiều giấy phép con, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ ra: Dự thảo Luật có đến 84 điều, nhưng lại có 42 điều quy định về giống, phân bón. Trong khi đó, khâu quan trọng và là khâu yếu trong hoạt động trồng trọt là bảo quản, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng trồng trọt thì chỉ có 6 điều. “Đây là vấn đề “đắt giá”, giải quyết mấu chốt tình trạng “được mùa, mất giá”, “rau hai luống, lợn hai chuồng”, xây dựng thương hiệu trồng trọt”, ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về việc điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan); việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN của bộ, ngành giai đoạn 2016 - 2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực