Kiểm soát chặt hóa chất và kháng sinh trong sản phẩm thủy sản

Thứ sáu, 27/05/2016 16:39
(ĐCSVN) - Ngày 27/5, tại Hà Nội, Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) thuộc Hội nghề cá Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong sản phẩm thủy sản”.

Hội thảo “Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong
 sản phẩm thủy sản” tổ chức ngày 27/5. Ảnh: ĐT

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định để sản phẩm thủy sản Việt Nam an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất cần tập trung kiểm soát mối nguy hóa học, đặc biệt là kiểm soát các loại hóa chất, kháng sinh trong tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất thủy sản nuôi, giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia EU-Mutrap cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam đang ngày càng được chấp nhận trên thị trường thế giới. Có được điều này là do các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tiếp cận với nguyên tắc kiểm soát an toàn thực phẩm thông qua nhận diện mối nguy và thực hành kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm ngay tại nơi phát sinh (HACCP).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vấn đề dư lượng kháng sinh được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản vẫn khó kiểm soát, vẫn để lọt các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị các nước kiểm tra vượt dư lượng kháng sinh cho phép.

Riêng đối với ngành thủy sản, ông Cương lưu ý các doanh nghiệp phải chú trọng đến nhóm hóa chất và kháng sinh mà con người chủ động đưa vào sản xuất, trong đó cần hiểu danh mục nào được phép hoặc cấm sử dụng.

"Nếu doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản cần truy cập website của các nước nhập khẩu để đánh giá thử nghiệm và khảo nghiệm của từng loại qua đó nắm được liều dùng, đường dùng và thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch," ông Cương lưu ý.

Hiện thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010-2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thị trường này.

Trong khi đó, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, mới cấp phép lưu hành cho 642 sản phẩm thuốc thú y thủy sản, trong đó có 501 sản phẩm được sản xuất trong nước và 141 sản phẩm nhập khẩu.

Theo ông Vi Thế Đang, Giám đốc FITES, chuyên gia EU-Mutrap, với mục tiêu hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản của Việt Nam chuẩn bị điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các chuyên gia của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) đã thực hiện ba nghiên cứu.

Cụ thể là về danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm và được phép sử dụng trong sản xuất thủy sản của Tổ chức Codex và của EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc; việc xây dựng và ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong hoạt động nuôi và trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam; quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, đại diện của Dự án EU-Mutrap đã trình bày kết quả của 3 nghiên cứu được thực hiện thông qua các cuộc khảo sát thực tế của các chuyên gia tại một số tỉnh phía Bắc và Nam Trung bộ./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực