Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ ba, 31/07/2018 15:11
(ĐCSVN)- Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thảo luận về giải pháp kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sáng 31/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018.

Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức chu đáo kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước, phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa.

Nhìn lại bức tranh kinh tế - xã hội tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá có kết quả khả quan hơn tháng 6; trong đó lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,09% sau khi tăng mạnh hai tháng trước đó. Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%, như Nghị quyết Quốc hội giao. Hiện lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,36%.

Thông tin đáng mừng khác là sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực. Sản lượng lúa Đông Xuân tăng 1,1 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt trên 2 triệu tấn trong nửa đầu năm. 

Đặc biệt là sản xuất công nghiệp tăng mạnh với mức 14,3%. Trong đó chế biến, chế tạo tăng 16,6%, là động lực tăng trưởng trong tháng 7 và cố gắng duy trì thời gian tới.

Bên cạnh đó, các chỉ số khác như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; khách du lịch quốc tế; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thu ngân sách, xuất khẩu…đều đạt khá. Trong đó, tính đến giữa tháng 7, thu ngân sách đã đạt gần 52% dự toán năm. Xuất khẩu đạt gần 134 tỷ USD, xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay có thêm gần 80 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, có 18,7 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đời sống của người dân tiếp tục cải thiện, số hộ thiếu đói giảm gần 40%. 

Với những tín hiệu tích cực của kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển Châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 7,1%, Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Chi ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát… 

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra không ít yếu kém, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Trước mắt là tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý các hồ, đập, đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ việc như vỡ đập thủy điện ở Lào vừa qua.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thảo luận về giải pháp kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm nhẹ, nhưng những sức ép lạm phát vẫn lớn khi lãi suất thị trường thế giới tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là chiến tranh thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ. Đây là vấn đề mà Tổ điều hành kinh tế vĩ mô phải có giải pháp cụ thể.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành cần nêu giải pháp giảm điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí, logistic. Lo lắng trước tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ nhiều bộ, ngành địa phương chưa quyết liệt triển khai chương trình cổ phần hóa đã được duyệt. Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp nhà nước.

Liên quan đến các tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua ở một địa phương gây bức xúc dư luận, Thủ tướng cho rằng, sự cố này đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý rốt ráo, quyết liệt.  “Không phải Chính phủ vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi sẽ xem xét việc thi PTTH và thi Đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành xử lý tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI, tình trạng bán và lấn chiếm hàng nghìn ha rừng, triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, giải quyết tình trạng xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Đề cập đến vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra giữa xe container và xe khách làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam mới đây, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, phải có giải pháp mạnh mẽ hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 “Tôi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quan tâm vấn đề này vì tính mạng con người trên hết”, Thủ tướng yêu cầu.

Liên quan đến một nội dung khác cũng gây bức xúc trong dư luận là tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp và đã có chỉ đạo về vấn đề này, kiên quyết không để Việt Nam là nơi thải phế liệu. Thủ tướng cũng cho biết, đã giao ngành Công an điều tra, khởi tố kịp thời những chủ hàng đã bỏ hàng khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam nhằm trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả những hành vi này,  các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm hạn chế tối đa nhập khẩu loại hàng hóa này, trừ một số phế liệu là nhu cầu thực sự phục vụ sản xuất nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Trong hôm nay, Chính phủ dành một ngày để trao đổi về thể chế chính sách. Theo chương trình, Chính phủ sẽ thảo luận về các dự án Luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; 161/2016NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Trong ngày mai, Chính phủ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2018 và định hướng thời gian tới./.

QV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực