Kiên quyết đưa ra khỏi Chương trình các dự án chưa đảm bảo chất lượng

Thứ ba, 23/05/2017 15:21
(ĐCSVN)- Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Sáng ngày 23/5, Quốc hội làm việc tại tổ. Ảnh: VA

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 03 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật; Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 06 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 01 kỳ họp).

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 24 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, thông qua 10 luật, 01 nghị quyết (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 4 khi trình Quốc hội lần đầu); cho ý kiến về 09 dự án luật; Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 10 luật và cho ý kiến về 04 dự án luật khác.

Bàn về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, thay vì giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội thì nên mở rộng thành chuyên đề giám sát quản lý, sử dụng đầu tư công vì cho rằng, vấn đề lãng phí, thất thoát đầu tư công hiện nay rất lớn, cần phải được giám sát chặt chẽ, nếu không sẽ "phá vỡ" nhiều chỉ tiêu kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, tỉnh Cần Thơ đồng tình việc điều chỉnh Chương trình năm 2017, vì hiện nay còn một số dự án luật chưa sát với thực tiễn, tính khả thi chưa cao. Chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; đồng thời phải kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định; cần sớm khắc phục triệt để tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật; việc gửi tài liệu của nhiều dự án vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Từ đó, đề nghị năm 2018, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần phải thực hiện nghiêm túc, kỷ cương.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đồng tình đưa nội dung quản lý, sử dụng đầu tư công vào chương trình giám sát năm 2018; đồng thời nên bổ sung chuyên đề “Thi hành pháp luật về phòng chống tham nhũng” vào chương trình giám sát vì nó gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và phù hợp với sự mong mỏi của nhiều cử tri.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, tỉnh Phú Thọ bày tỏ đồng tình với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra vì đã bao quát những vấn đề nóng của xã hội, phù hợp, bám sát tình hình thực tế. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm nên chọn 2 nội dung giám sát năm 2018 đó là, việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;  Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng chỉ nên giám sát chuyên sâu về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vì như vậy sẽ giám sát “bao trùm” cả vấn đề quản lý đầu tư công. Thêm nữa, cần bổ sung 03 luật sớm liên quan đến thuế, (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế) để đảm bảo cân đối nguồn thu của ngân sách.

Ý kiến đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, tỉnh Long An đề nghị, Chính phủ sớm phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án do Chính phủ trình, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo; đồng thời, Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án; chỉ đạo các cơ quan soạn thảo thực hiện đúng tiến độ kể cả các cơ quan thẩm tra, có thể đưa sớm về các địa phương để có thời gian nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các dự án được trình.

Đại biểu Bùi Văn Phương, tỉnh Ninh Bình cho rằng những nội dung giám sát năm 2018 phải là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực...

Đại biểu Bùi Văn Phương đề xuất, nên xem xét đưa vào giám sát nội dung thực hiện Luật Đất đai năm 2013, vì từ đó đến nay, rất nhiều vấn đề bất cập liên quan đến đất đai vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn khi lập dự án thì “viết” rất hay, nhưng khi giao đất thì không làm gì chỉ “chờ” thời giá đất lên. Thậm chí, có những dự án hàng chục năm chỉ có trồng cây cối ở đó. Do đó, cần kiên quyết xử lý nếu quá thời hạn gia hạn thì sẽ thu hồi đất đai và không đền bù. Cần phải có chuyên đề giám sát về nội dung này để qua đó trả lại kỷ cương pháp luật, niềm tin cho người dân. Nếu chưa thể đưa nội dung giám sát thực hiện Luật Đất đai vào chương trình năm 2018 thì có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội  giám sát nội dung này trong thời gian gần nhất./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực