​Kỳ họp của đổi mới, sáng tạo và lắng nghe!

Thứ sáu, 15/06/2018 18:54
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, đây là Kỳ họp có nhiều đổi mới, sáng tạo; đặc biệt sự lắng nghe, tiếp cận, tương tác với cử tri và Nhân dân được nâng cao hơn thông qua hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các phương tiện truyền thông.

Từ đổi mới cả về nội dung, cách thức và phương pháp làm việc

Đánh giá về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tại Kỳ họp này, mặc dù thời gian rút ngắn lại nhưng những nội dung tại Kỳ họp đều hết sức quan trọng và các ĐBQH, cử tri hết sức quan tâm.

Bên cạnh đó, sự thay đổi phương thức chất vấn các Bộ trưởng thực sự mang tính chất đối thoại trực tiếp. Đối thoại chất vấn cũng mang tính xây dựng rất cao, gợi mở cho những “tư lệnh” ngành.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội). (Ảnh: TH).

Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi) – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho hay, việc bố trí chương trình Kỳ họp là hợp lý, không quá dài dòng nhưng cũng không quá ngắn, qua loa. Như vậy, vừa tiết kiệm được thời gian ,vừa giúp cho đại biểu dồn tâm sức đọc tài liệu để tham gia có chất lượng.

Về chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy tính khả thi trong việc thực thi vì chủ tọa điều hành chỉ chọn một số điểm chính trong nhiều ý kiến băn khoăn để các Bộ trưởng tập trung làm rõ.

Ví dụ như: Ngành Lao động thương binh, xã hội bây giờ có rất nhiều việc nhưng chỉ chọn vấn đề làm sao để giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, chất lượng đào tạo ngành nghề, cơ cấu đào tạo ngành nghề, rồi vấn đề trẻ em. Đó là những vấn đề gây bức xúc hiện nay. Việc chọn lựa như vậy cũng phù hợp với quỹ thời gian và dễ kiểm soát được việc thực thi của Bộ trưởng sau trả lời chất vấn.

Đáng chú ý, về điều hành, Chủ tịch Quốc hội đã hết sức linh hoạt, trí tuệ, nghiêm túc nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng, từ đó gắn kết được các ĐBQH với các Bộ trưởng để giải quyết vấn đề cho tốt.  

Nhận định về các phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá, với hình thức chất vấn các câu hỏi được hỏi trong thời gian 1 phút và câu trả lời tối đa 3 phút cho thấy sự đổi mới tích cực, hiệu quả mạnh lan tỏa tới cử tri. Cử tri cảm thấy phấn khởi vì câu hỏi của các đại biểu đặt ra đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng  của mình và qua các câu trả lời của các Bộ trưởng, cử tri nắm được rõ hơn các vấn đề mình quan tâm cũng như trách nhiệm giải quyết của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình). (Ảnh: TH).

Đến việc  lắng nghe và tương tác với cử tri và nhân dân được nâng cao hơn

Một trong những điểm nhấn tại Kỳ họp này là hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi; đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng.  Trên tinh thần đó, Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), tính linh hoạt của QH trong Kỳ họp lần này thì có thể thấy rõ sự lắng nghe và thận trọng trong việc xem xét, thông qua một số luật, trong đó có thể nói là Luật về đặc khu có sự lắng nghe ý kiến của cử tri của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, tại Kỳ họp này, các ĐBQH và lãnh đạo Quốc hội cũng rất lắng nghe ý kiến của Nhân dân nên đã có một quyết định rất kịp thời, đó là lùi việc thông qua Luật Đặc khu. Điều này chứng tỏ khi Quốc hội họp là không chỉ gói gọn trong hội trường mà Quốc hội đã luôn tương tác với ý kiến của người dân. Và không chỉ Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, tất cả những đạo luật khác đều được các ĐBQH nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi bấm nút.

“Nếu quả thật có những vấn đề chúng ta thực sự chưa yên tâm, nhận thấy việc chuẩn bị chưa thực sự tốt thì Quốc hội cũng luôn lắng nghe. Tôi nghĩ đây là môi trường hết sức dân chủ để được thể hiện ý kiến”, ĐB chia sẻ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: TH).

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn bày tỏ, rút kinh nghiệm nhiều nhất trong Kỳ họp này là các vấn đề về luật. Những dự thảo luật nào có quá nhiều ý kiến còn tranh luận với nhau thì Quốc hội nên tạo điều kiện thêm những buổi tranh luận, thảo luận trên hội trường trước khi bấm nút thông qua.

“Chúng ta hãy tốn nhiều thời gian hơn nữa để luật đảm bảo nguyện vọng của nhân dân và thực tế trong cuộc sống. Những dự thảo luật này cần phải được tuyên truyền và đưa lên nhiều các phương tiện đại chúng”, ĐB đề nghị.

ĐBQH Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi) chia sẻ, đương nhiên những vấn đề mới như Luật Đặc khu thì còn có những ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung lại, các ĐBQH đều mong muốn tạo đột phá, nhưng có bước đi thận trọng vì mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích tốt nhất về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

“Tiếp thu các ý kiến của cử tri và ĐBQH, UBTVQH đã đề nghị Quốc hội lùi lại để suy nghĩ thêm. Tôi thấy đây là hành động hết sức trí tuệ và cầu thị. Tôi nghĩ người dân cũng hết sức đồng tình với việc này. Quốc hội đã lắng nghe Nhân dân một cách chân tình...”, ĐB nhấn mạnh.

Để sớm triển khai luật vào cuộc sống, ĐB Lê Viết Chữ cho rằng, việc thẩm tra cần hết sức chu đáo, cẩn thận. Ngoài cơ quan nhà nước, các ĐBQH, các cơ quan thông tin đại chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ, đúng về tinh thần luật và thực hiện đúng luật, đưa luật đi vào cuộc sống…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực