Ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có khả năng bị trì hoãn

Thứ năm, 07/11/2019 16:05
(ĐCSVN) – Buổi ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ bị trì hoãn tới tháng 12/2019 do hai bên vẫn đang thảo luận về các điều khoản trong thỏa thuận cũng như địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại Nhật Bản, tháng 6/2019.
(Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters vừa dẫn lời một quan chức cấp cao (không tiết lộ tên) của Mỹ nhận định, có nguy cơ Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1” nhằm chấm dứt cuộc thương chiến tiếp diễn nhiều tháng qua, song khả năng đạt được thỏa thuận vẫn lớn hơn.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc tới một số địa điểm tiềm năng là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ được trông đợi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Theo kế hoạch ban đầu, lễ ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Chile vào trung tuần tháng 11 này. Tuy nhiên, ngày 30/10, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã tuyên bố hủy đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 2019 do tình hình chính trị bất ổn.

Theo quan chức cấp cao trên của Mỹ thì một địa điểm đang được cân nhắc trở thành nơi diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc là London (Anh). Đây là nơi có thể diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống D.Trump, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hai ngày từ 3-4/12. “Kịch bản này đang được tính đến, song vẫn chưa có thông tin nào được ấn định” – quan chức trên cho biết.

Một số địa điểm khác đang được các bên cân nhắc đến gồm một số nước ở châu Âu và châu Á, với Thụy Điển và Thụy Sỹ đang được xem là “hai ứng cử viên tiềm năng”. Về phía Tổng thống D.Trump đã đề xuất tổ chức lễ ký kết thỏa thuận thương mại với nhà lãnh đạo Trung Quốc ở bang Iowa. Tuy nhiên, phương án này dường như đã bị bác bỏ.

Cũng theo nhận định của quan chức trên thì Trung Quốc đang coi việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Mỹ là “cơ hội tốt nhất” để có thể thu lại những điều khoản có lợi, nhất là trong bối cảnh Tổng thống D.Trump đang phải đối mặt với những áp lực từ một cuộc điều tra luận tội của Quốc hội vào thời điểm nhà lãnh đạo này đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm tới.

Mới đây, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết, các vòng đàm phán đang diễn ra và việc thảo luận về bản thỏa thuận “giai đoạn 1” đã mang lại tiến triển. “Chúng tôi sẽ thông báo khi nào có thông tin về địa điểm ký kết thỏa thuận” – ông Deere nói.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, hiện Trung Quốc đang hối thúc Tổng thống D.Trump gỡ bỏ thêm các khoản thuế đã áp đặt lên hàng hóa của nước này vào tháng 9/2019, xem đây như là một phần trong bản thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới. Thậm chí còn có thông tin khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép để Mỹ “gỡ bỏ tất cả thuế quan lên hàng hóa của nước này trong khoảng thời gian sớm nhất có thể”.

Trong khi đó, giới phân tích hy vọng bản thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đề cập tới lời cam kết của Mỹ về việc rút lại kế hoạch tăng thuế lên 156 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gồm các mặt hàng điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 tới. Cũng theo quan điểm của các nhà phân tích, bản thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể cởi bỏ được toàn bộ nút thắt trong quan hệ thương mại giữa hai nước mà chủ yếu tập trung vào việc mua bán nông sản, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, còn vấn đề trợ cấp công nghiệp sẽ không được đề cập tới.

Việc ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra “xuôi chèo mát mái” cũng được xem là “tiền đề” để Tổng thống D.Trump cân nhắc tới việc rút lại một số chính sách áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ góp phần mở ra triển vọng hóa giải cuộc xung đột thương mại kéo dài 18 tháng qua vốn không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, mà còn mang lại những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế thế giới./.

Thu Lan (Theo Reuters, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực