Kỳ thi THPT quốc gia 2017 bảo đảm an toàn, nghiêm túc

Thứ bảy, 24/06/2017 21:55
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của Thứ tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại buổi họp báo tổng kết kỳ thi vừa diễn ra chiều nay 24/6.

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2017 là một kỳ thi có nhiều đổi mới nhằm hướng tới phát triển và hoàn thiện nền giáo dục Việt Nam. Cụ thể, đây là lần đầu tiên các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi. Đây cũng là lần đầu tiên các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội được đưa vào một kỳ thi THPT quốc gia với hình thức trắc nghiệm. Để thực hiện được điều này, Bộ đã cho xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, thành lập các tổ biên soạn câu hỏi thi, tiến hành thử nghiệm, chỉnh sửa, hoàn thiện và đưa vào ngân hàng câu hỏi phục vụ xây dựng đề thi chính thức cho kỳ thi.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh:KS)

Về kết quả tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, kỳ thi năm nay đã được diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan. Các địa phương, bộ, ngành liên quan đã chủ động vào cuộc, cùng với ngành giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai kỳ thi trên toàn quốc. Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, các đoàn thanh tra của Bộ cùng với các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi, nhất là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập; hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn.

Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi. Theo đánh giá ban đầu, đề thi năm nay bám sát chương trình lớp 12, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Các số liệu thống kê cho thấy, kỳ thi có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi; huy động gần 90.000 cán bộ tham gia. Trong đó, số cán bộ, giảng viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016. Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99.53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99.49%; Hóa học: 99.47%; Sinh học: 99.63%; Ngoại Ngữ: 99.60%; Lịch sử: 99.34%; Địa lý: 99.40%; GDCD: 99.62%). Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59.32%)  thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử). Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh:KS)

Tại buổi họp báo, đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã trả lời báo chí một số câu hỏi liên quan đến kỳ thi vừa qua. Về vấn đề kỷ luật phòng thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, số thí sinh bị đình chỉ, vi phạm quy chế giảm mạnh chính là cơ sở để khẳng định kỷ luật phòng thi năm nay đã được tổ chức tốt hơn.

 “Khi quyết định đưa kỳ thi THPT quốc gia về cho các địa phương chủ trì, chúng tôi đã nhận thức rất rõ vấn đề kỷ luật phòng thi phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vây, Bộ đã xây dựng hai hướng giải quyết căn bản gồm: giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật. Cụ thể, mỗi phòng thi đều bảo đảm tỷ lệ một giáo viên của trường THPT và một của các trường Đại học, Cao đẳng, đó là chưa kể Hội đồng thi cũng có thành viên của các trường Đại học và Cao đẳng. Về giải pháp kỹ thuật, đây là lần đầu tiên Bộ áp dụng hình thức thi thức trắc nghiệm 4/5 bài thi, với quy tắc mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề khác nhau. Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng gian lận và hoàn toàn phù hợp với một kỳ thi có đối tượng dự thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia”, ông Trinh lý giải.

Về những thắc mắc liên quan đến tính công bằng giữa các mã đề thi, đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi cho biết: Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng chuẩn hóa. Trong đó, tất cả các câu hỏi đều được thử nghiệm với chính các học sinh lớp 12. Trước kỳ thi, Bộ GD&ĐT một lần nữa thực hiện việc chọn mẫu ở 50 trường THPT trên cả nước với khoảng 20.000 thí sinh tham gia để thử nghiệm cân bằng độ khó giữa các đề thi. Kết quả thử nghiệm là cơ sở để điều chỉnh, xây dựng đề thi chính thức trong kỳ thi vừa qua. Chính vì vậy, Ban đề thi khẳng định tính khách quan và công bằng về độ khó giữa các mã đề trong bài thi của từng thí sinh./. 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực