Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Thí sinh tự tin với bài thi môn Ngoại ngữ

Thứ sáu, 23/06/2017 22:33
(ĐCSVN) - Chiều 23/6, các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã kết thúc ngày thi thứ 2 với môn thi Ngoại ngữ. Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ là 760.000 thí sinh (chiếm 88% tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2017).

Ghi nhận tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), đa số các thí sinh đều vui vẻ khi kết thúc môn thi. Thí sinh Lương Tiến Luận (THPT Chu Văn An) cho biết, đề thi Ngoại ngữ năm nay vừa sức với mặt bằng chung thí sinh. Đặc biệt, các thí sinh có học lực trung bình cũng có thể hoàn thành bài thi dễ dàng. Về những khó khăn trong đề thi, thí sinh cho rằng chỉ có phần đọc hiểu là thực sự khó, tuy nhiên nội dung này không nhiều. Nói về kỳ thi của mình, Luận chia sẻ: “Em đã hoàn thành tốt các môn thi, trong đó riêng môn Toán em tính được 9,4 điểm. Tối nay, em sẽ về kiểm tra lại kết quả 2 môn thi xét tuyển vào Đại học còn lại là Vật lý và Ngoại ngữ. Em hy vọng mình sẽ đạt được ngưỡng điểm trong khoảng 24-25 để đỗ vào Đại học Ngoại thương Hà Nội”.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Ảnh: KS)

Đồng quan điểm với Luận, Lê Đình Long (THPT Tây Hồ) nhận định, đề thi chủ yếu là những kiến thức cơ bản và không làm khó thí sinh. “Em không nghĩ đề thi năm nay “dễ thở” như thế. Hầu hết các bạn trong trong phòng thi đều hoàn thành bài thi khi chưa hết thời gian. Em thấy chỉ có khoảng 10 câu đọc hiểu là mất thời gian một chút do có nhiều từ mới. Với đề thi năm nay, em tự tin mình có thể đạt từ 8 điểm trở lên”, Long cho biết.

Mặc dù chỉ dự thi môn Ngoại ngữ với mục đích tốt nghiệp, song Nguyễn Quang Duy (THPT Tây Hồ) cũng khá tự tin với bài thi của mình. Thí sinh nhận xét, đề thi đã bám sát chương trình cơ bản, trong đó có tới 60% câu hỏi để kiếm điểm. Những câu hỏi khó hơn tập trung nhiều vào phần đọc hiểu, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy cũng như vốn từ vựng tốt để chọn được đáp án chính xác.

Kết thúc 60 phút môn thi Ngoại ngữ, nhiều thí sinh tại trường THPT Phan Đình Phùng cũng khá phấn khởi khi hoàn thành tốt phần thi của mình. Theo nhận định của các thí sinh, đề Ngoại ngữ không khó nhưng vẫn có tính phân loại cao. Cụ thể, 30 câu đầu sẽ là phần lấy điểm cho thí sinh, những câu tiếp theo với độ khó tăng dần sẽ phân loại trình độ thí sinh từ khá đến giỏi.

Là một trong những thí sinh rời trường thi đầu tiên, Trịnh Ngọc Huyền (THPT Phan Đình Phùng) cho biết: Đề thi Ngoại ngữ năm nay hoàn toàn phù hợp với một kỳ thi "2 trong 1". Cụ thể, học sinh học lực trung bình có thể đạt 5 điểm, học sinh khá trở lên sẽ không khó để đạt điểm 7,8. Tuy nhiên để đạt 9 hoặc 10 điểm, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức cả về ngữ pháp, từ vựng và có khả năng tư duy tốt. 

“Em nghĩ đề thi có kiến thức tương đương với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Khó nhất là 6 - 7 câu cuối. Để làm được những câu hỏi này các bạn phải rất xuất sắc. Theo em điểm thi môn Ngoại ngữ năm nay sẽ cao. Em khá tự tin về kết quả bài thi của mình và dự tính đạt được 9 điểm trở lên”, thí sinh Trịnh Ngọc Huyền cho biết thêm.

Hầu hết thí sinh đều tỏ ra hài lòng với bài thi của mình (Ảnh: KS)

Tại một số điểm thi khác, nơi hầu hết học sinh của trường có thế mạnh về Ngoại ngữ như: THPT Chuyên Ngoại ngữ , THPT Việt Đức hay THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thí sinh đều hài lòng với bài làm của mình. Phần đông các em hướng đến điểm 8 hoặc 9 để có thể gia tăng cơ hội đỗ vào các trường có điểm tuyển sinh cao như: Đại học Ngoại thương, Đại học Luật hay Học viện Tài chính…

Nhận định về đề thi, một số giáo viên Ngoại ngữ cho biết, đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình lớp 12, nội dung thông tin trong các câu hỏi đều thuộc các chủ đề quen thuộc với học sinh. Bên cạnh đó, phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo được Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó. Ngoài ra, mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi khó có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9 -10. 

Ngày mai 24/6, các thí sinh sẽ bước vào thi bài tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội có sự khác biệt giữa hai đối tượng thí sinh. Cụ thể, thí sinh học chương trình giáo dục THPT sẽ thi bài tổ hợp gồm 3 môn thành phần là Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ thi bài tổ hợp chỉ gồm hai môn Lịch sử và Địa lí./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực