Lai Châu cần tập trung cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ tư, 20/03/2019 21:57
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị thời gian tới tỉnh Lai Châu cần tập trung cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là bộ phận đồng bào còn khó khăn; tiếp tục quan tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi sinh kế cho người dân... Tỉnh tiếp tục quan tâm đến vấn đề an ninh chính trị, công tác cán bộ, nhất là cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số…

Ngày 20/3, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh
Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Vũ Văn Hoàn cho biết, Lai Châu là tỉnh miền núi với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người (Cổng, Mảng, La Hủ, Si La); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Với nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai các chương trình như 186, 120, 134, 135, dự án 600, chương trình 661… Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc có nơi còn hạn chế; chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông có nội dung còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tình trạng di cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc Mông còn diễn biến phức tạp…

Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đề nghị Trung ương rà soát, đánh giá toàn diện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong phạm vi cả nước, hoạch định chính sách dân tộc theo hướng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sớm ban hành đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Lai Châu đề nghị tăng nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ổn định lâu dài, bền vững; tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện chính sách phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc Mông; chính sách đào tạo, tuyển dụng cán bộ người dân tộc Mông...

Đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến như: Tiếp tục có các chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Mông; tập trung quy hoạch, sắp xếp dân cư, di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, định canh, định cư; gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào trong việc bảo vệ, phát triển rừng, ổn định đời sống; thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của bộ đội Biên phòng giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh trong vùng đồng bào dân tộc…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đạt được, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45. Cụ thể hiện nay, đời sống bà con vùng đồng bào các dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng của Lai Châu đã có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội có bước chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập đầu người tăng gần 6 lần, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm nhanh bình quân hàng năm giảm 3,8%; hai huyện đã thoát khỏi diện nghèo. Mạng lưới giáo dục y tế vùng sâu, vùng xa dần hoàn thiện, toàn tỉnh đạt 9,5 bác sĩ/vạn dân, trên 70% số trạm y tế xã có bác sĩ; tỷ lệ cán bộ, người lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính chiếm bình quân trên 25%...

Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, cụ thể là đời sống một bộ phận đồng bào còn chưa được đảm bảo; cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng đồng bào còn chưa đồng bộ, đi lại khó khăn; tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tình hình di dịch cư còn phức tạp…

Từ những đánh giá và nhận định trên, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị thời gian tới tỉnh Lai Châu cần quan tâm một số vấn đề như: Tập trung cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là bộ phận đồng bào còn khó khăn; tiếp tục quan tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, sắp xếp lồng ghép các chính sách quốc gia dành cho đồng bào các dân tộc một cách hợp lý, tránh dàn trải nguồn lực. Tỉnh tiếp tục quan tâm đến vấn đề an ninh chính trị, công tác cán bộ, nhất là cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số… 

Đồng chí Trương Thị Mai tiếp thu một số ý kiến, kiến nghị của tỉnh Lai Châu về công tác dân tộc, đồng thời đề nghị các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ./.

Công Tuyên/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực