Làm rõ căn cứ sử dụng nguồn thu phí công đoàn bằng 2% quỹ lương

Thứ ba, 29/09/2020 16:27
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu, việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn cần bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức Công đoàn với các tổ chức của người lao động khác…

Ngày 29/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh mới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, thời gian qua vấn đề thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra, kiểm toán và giám sát  chặt chẽ, định kỳ thường xuyên. Tuy nhiên, thực tiễn việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 vừa qua cho thấy cần phải xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn. Mặt khác, thời gian qua, việc công khai, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến một số cá nhân còn băn khoăn về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

trình bày Tờ trình sự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. (Ảnh: QK)

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, về cơ bản hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.

Đối với quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căm cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, qua thảo luận có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% và bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí Công đoàn.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị điều chỉnh mức thu nộp kinh phí Công đoàn một cách phù hợp mà vẫn bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn nhưng không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động, có thể quy định mức tối đa không quá 2% hoặc thấp hơn quy định hiện hành, do quỹ công đoàn vừa qua còn kết dư khá cao.

Trước mắt, Ủy ban tán thành với quan điểm  và Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn. "Đây là nguồn kinh phí giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm để Công đoàn Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động và nhất là Công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình tán thành với quan điểm cần phải sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh mới.

Đồng  tình với phương án thu 2% kinh phí Công đoàn, song đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cơ quan soạn thảo cần có những thuyết minh, giải trình cụ thể nhu cầu sử dụng kinh phí Công đoàn, tài chính Công đoàn, các giải pháp quy định về sử dụng phần kết dư kinh phí Công đoàn nếu có…

Đồng tình với việc duy trì kinh phí Công đoàn, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhận định, nguồn kinh phí 2% là nguồn kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động chăm lo cho người lao động ở cơ sở. Theo đó, khoản kinh phí này không chỉ có các hoạt động hiếu, hỷ, phúc lợi xã hội, mà rất nhiều hoạt động khác của tổ chức Công đoàn, như tuyên truyền giáo dục, đào tạo cán bộ, thi đua khen thưởng... hiệu quả rất lớn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ mức đóng, phân chia và sử dụng khoản kinh phí này như thế nào, vào mục gì và được quản lý ra sao.

Một số đại biểu đề nghị, cần giải thích rõ căn cứ, cơ sở xác định mức đóng 2% trong Tờ trình. Việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn cần bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức Công đoàn với các tổ chức của người lao động khác, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021./.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực