Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu

Thứ sáu, 17/11/2017 17:11
(ĐCSVN) - Sáng 17/11, Thường trực Thành ủy – UBND TP.Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với hơn 300 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho gần 100.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017).

Các đồng chí: Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố; Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đồng chủ trì buổi gặp gỡ.

Đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại buổi gặp gỡ (Ảnh: VL)

Báo cáo tại buổi gặp gỡ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục – đào tạo Thành phố đã đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Cùng với tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên, ngành giáo dục Thành phố đã đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Kết quả nổi bật là năm học 2016 – 2017, toàn Thành phố có 4.297 học sinh giỏi cấp Thành phố, 435 học sinh đoạt giải quốc gia, có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương. Cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học năm học 2016 – 2017 có 604 đề tài tham gia, 18 đề tài được chọn thi quốc gia, tất cả đều đoạt giải. Đến nay, 24/24 quận/huyện tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập bậc trung học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 là 98,48% so với năm 2016 là 92,41%. Đến nay Thành phố đã triển khai hiệu quả Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố. Hiện nay, 90% học sinh tiểu học được học tiếng Anh từ lớp 1. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thành phố cũng đã mở rộng mô hình trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập khu vực (hiện Thành phố có 3 trường THPT thực hiện theo mô hình này và 34 trường tiểu học – THCS đang tiến hành xây dựng).

Về định hướng phát triển của ngành giáo dục Thành phố trong năm học 2017 – 2018, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, ngành giáo dục Thành phố sẽ thực hiện đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, trong đó tiếp tục thực hiện các nội dung Nghị quyết của Thành ủy chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo TP.Hồ Chí Minh, tích cực xây dựng “Đề án tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo Thành phố đến năm 2030” nhằm đưa giáo dục - đào tạo Thành phố tiếp cận giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục – đào tạo Thành phố trong thời gian tới là đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra – đánh giá; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục; chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm và các phương pháp dạy học tích cực khác thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống.

Ngành giáo dục Thành phố cũng sẽ thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, các chính sách xã hội nhằm đảm bảo mọi học sinh có hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên Thành phố, đảm bảo cung cấp đủ số lượng giáo viên các cấp cho ngành, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục trẻ.

Lãnh đạo Thành phố trò chuyện với các đại biểu bên lề buổi gặp gỡ (Ảnh: VL)

Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo đã trao đổi, góp ý thẳng thắn vào những vấn đề còn bất cập, hạn chế hiện nay như: mức lương hiện tại đang làm cho đời sống giáo viên khó khăn, giải pháp giúp cho ngành giáo dục – đào tạo Thành phố ngày càng phát triển; đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế…

Theo TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, muốn giáo dục phát triển bền vững phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý cho giáo viên. “Làm sao người giáo viên có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho nghề khi đứng trên bục giảng mà đầu óc phải lo nghĩ nhiều chuyện khác, luôn tất bật với cuộc sống hàng ngày do thu nhập còn hạn chế?”, TS Huỳnh Công Minh chia sẻ.

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu cùng quan điểm chia sẻ tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo Thành phố. Từ những khó khăn thực tế của đội ngũ giáo viên, nhiều ý kiến cho rằng Thành phố cần nghiên cứu về vấn đề tài chính cho giáo dục, đưa ra được những chính sách mang tính đổi mới tư duy. Thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa giáo dục ngoài nhà trường, phát huy vai trò và hiệu quả của xây dựng mô hình xã hội học tập.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thời cơ đã đến với Thành phố, đó là cơ chế tự chủ cho Thành phố nếu được Quốc hội thông qua, Thành phố sẽ có nhiều đột phá, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giúp Thành phố thực hiện cải cách chế độ tiền lương, giúp giáo viên hiện thực hóa ước mơ có thể sống được bằng nghề. Thêm vào đó, công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó có tăng cường giao quyền tự chủ, trách nhiệm cho hiệu trưởng là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh giúp các trường có cơ hội đầu tư tốt hơn cho công tác quản lý và giảng dạy.

PGS. TS Võ Văn Sen đề xuất: “Lãnh đạo Thành phố cần chuẩn bị cho giáo dục và đào tạo Thành phố những chương trình, dự án để tận dụng những thời cơ đang đến và chuẩn bị đến”.

Chia sẻ với những suy tư, trăn trở của các nhà giáo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cho rằng, những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nhà giáo hôm nay rất có giá trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và điều hành của UBND Thành phố. TP.Hồ Chí Minh đang cần sự đóng góp về tư duy, trí tuệ, kiến thức và đặc biệt là tâm huyết của đội ngũ nhà giáo Thành phố.

Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong công cuộc xây dựng đất nước, trong đó có nhiệm vụ phát triển Thành phố, đồng chí Tất Thành Cang cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện nay của giáo dục Thành phố. Đó là tốc độ tăng dân số cơ học không ngừng tăng cao, kinh phí còn hạn chế, cơ chế đầu tư cho giáo dục chưa thật sự tối ưu, chế độ tiền lương không thu hút, cải cách chương trình, sách giáo khoa chậm đổi mới...

Theo đồng chí Tất Thành Cang “trong khả năng, quyền hạn của Thành phố, Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những mặt tiêu cực xuất phát từ chủ quan và khách quan khiến giáo dục phần nào trì trệ, thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế luôn có một khoảng cách”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Mục tiêu xây dựng TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là một sự nghiệp lớn lao mà tất cả chúng ta đều phải phấn đấu hết mình. Phát huy thế mạnh, nắm bắt thời cơ, nỗ lực thực hiện mới mong đạt được. Lãnh đạo Thành phố rất tin tưởng và kỳ vọng đội ngũ nhà giáo Thành phố sẽ tiếp tục tích cực đồng hành với quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân. Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách tháo gỡ khó khăn để động viên cả về tinh thần lẫn vật chất đối với đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực