Liên hợp quốc thúc đẩy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Libya

Thứ năm, 15/08/2019 23:22
(ĐCSVN) – Ngày 14/8, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) thông báo kế hoạch biến thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Liên hợp quốc hậu thuẫn và lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Đất nước Libya đang bị trượt dài trong bạo lực và bất ổn chính trị.
(Ảnh: Getty Images)


Tuyên bố cùng ngày của UNSMIL nêu rõ, sau thông điệp do UNSMIL đưa ra ngày 8/8 nhằm kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn nhân đạo vào dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, những phản ứng tích cực từ các bên liên quan và tình trạng cải thiện rõ rệt về sự suy giảm bạo lực tại khu vực thủ đô Tripoli đã được ghi nhận.

 

Tuyên bố của UNSMIL cũng lưu ý về một số hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó gồm cả việc sử dụng hỏa lực mạnh ở các khu vực dân sự. Cụ thể, các vụ bạo lực ở thị trấn Murzuq thuộc miền Tây Nam Libya vẫn tiếp diễn, khiến 7 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương.

 

Tuy nhiên, từ những kết quả đạt được, tuyên bố của UNSMIL khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các bên thúc đẩy những kết quả đã đạt được trong thời gian áp dụng lệnh ngừng bắn tạm thời để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. UNSMIL hoan nghênh các tuyên bố của cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ lệnh ngừng bắn, đồng thời nhắc lại đề xuất của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya – ông Ghassan Salame nhằm triệu tập một phiên họp giữa các bên liên quan để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya.

 

UNSMIL kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động nhằm bảo đảm một lệnh ngừng bắn lâu dài, tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí và cam kết hướng tới một lộ trình chính trị toàn diện do Liên hợp quốc bảo trợ để chấm dứt cuộc xung đột tại Libya.

 

Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị lật đổ vào năm 2011, đất nước Libya đã trượt dài trong bất ổn kinh tế và chính trị. Vào năm 2015, GNA đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc song cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm quyền điều hành đất nước. Trong bối cảnh trên, nhiều giải pháp để chấm dứt tình cảnh “nồi da nấu thịt” tại Libya do cộng đồng quốc tế đưa ra trong thời gian qua cũng chưa mang lại kết quả như mong đợi. Hiện quốc gia Bắc Phi này đang bị xé làm đôi dưới sự kiểm soát của hai chính phủ đối lập là GNA được quốc tế công nhận do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và chính quyền ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar đứng đầu LNA ủng hộ. 

 

Các cuộc xung đột xung đột vũ trang giữa GNA và LNA đã có dấu hiệu leo thang từ đầu tháng 4/2019, kể từ sau thời điểm lực lượng quân đội do Tướng Haftar cầm đầu thực hiện chiến dịch giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli và lật đổ chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận.

 

Theo số liệu thống kê do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, chiến sự kéo dài nhiều ngày qua tại Libya đã khiến hơn 1.000 người bị thiệt mạng, 5.700 người bị thương và buộc 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

 

Trong bối cảnh trên, Liên hợp quốc đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của một giải pháp chính trị cho mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định lâu dài tại Libya, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan cần ngồi vào bàn đối thoại một cách “không chậm trễ”./.

 

Thu Lan (Theo Xinhua, Northafricapost.com, UNSMIL)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực