Luật có quan tâm việc thương lái nước ngoài “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam?

Thứ năm, 25/05/2017 15:04
(ĐCSVN) – Luật quan tâm thế nào đến việc thương lái nước ngoài “núp bóng" doanh nghiệp Việt Nam thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước và hàng hóa nước ngoài nhập vào giả danh hàng Việt Nam?.


Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/5.
 Ảnh: Kim Thanh

Đây là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu ra khi thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương, sáng 25/5.

Cần ngăn chặn các đối tượng tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại kinh tế

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương. Báo cáo đã giải trình 12 vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm.

Phát biểu ý kiến tại Hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình cần thiết ban hành luật này và nhất trí cao với nhiều vấn đề được tiếp thu sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp phòng vệ thương mại…

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nhận định: Thời gian qua, hoạt động ngoại thương diễn ra vô cùng sôi động nhưng thực tiễn cho thấy chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn một số bất cập hạn chế, vì vậy việc xây dựng luật là cần thiết.

Đánh giá cao dự thảo luật nhưng đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo xem xét lại phạm vi điều chỉnh bởi dự thảo luật quy định chỉ áp dụng đối với đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ, trong khi thực tế các hoạt động liên quan đến ngoại thương là rất nhiều, quan trọng như dịch vụ kho bãi, logistic… .

Đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho rằng dự thảo luật còn giao cho Bộ Công Thương rất nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm soát, giám sát. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan; quy định rõ ràng, mạnh dạn phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, dự thảo luật cần bổ sung quy định về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương. “Trong thời gian qua, việc thương lái nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước và hàng hóa nước ngoài nhập vào giả danh hàng Việt Nam, luật quan tâm đến vấn đề này thế nào? Các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ như: việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, bảo trợ doanh nghiệp trong nước… Tôi đề nghị nên bổ sung nội dung trên và có chế tài xử phạt hợp lý để doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại đến nền kinh tế của đất nước” – đại biểu thẳng thắn nêu ý kiến.

Nghiên cứu dự luât, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) góp ý kiến về chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá về hiệu quả và những bất cập trong việc thực hiện quy định này trên thực tế? Đồng tình với việc Ban sọan thảo đã bổ sung các quy định về nguyên tắc áp dụng chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thẩm quyền áp dụng chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu nhưng theo đại biểu vấn đề quan trọng là tiêu chí và điều kiện như thế nào để thương nhân được chỉ định thì dự luật lại không quy định. “Đây là mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp khi mong muốn mình là đơn vị được lựa chọn và muốn biết mình có đáp ứng yêu cầu nhà nước đề ra hay không? Để đảm bảo minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp thì Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định rõ ràng để tránh cơ chế xin – cho”.

Về tổ chức xúc tiến thương mại, đại biểu cho rằng cần phân định rõ chức năng xúc tiến thương mại của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nằm trong Đại sứ quán, chức năng xúc tiến của tổ chức xúc tiến thương mại theo luật này và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp tự thân

Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng cho rằng việc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài cần tuân thủ chủ trương về tinh giản biên chế. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức xúc tiến thương mại theo hướng hiệu quả, hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại phải được đặt lên hàng đầu. Đại biểu cũng nhấn mạnh “Không đồng tình việc sử dụng ngân sách nhà nước hoàn toàn để chi trả, duy trì hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại”.

Cũng quan tâm tới cơ quan xúc tiến thương mại, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhất trí cần thành lập, cho phép thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại được quy định tại dự luật. Đại biểu cũng đề nghị, làm rõ nguyên tắc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức xúc tiến thương mại.

Ủng hộ việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân xúc tiến thương mại song đại biểu Ngô Đức Mạnh cho rằng cần nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại. Đại biểu nhấn mạnh, “cần hình thành một cơ quan xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia đủ mạnh bởi ngay cả các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc … thì vẫn có cơ quan xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia do nhà nước thành lập”.

Đại biểu cũng chỉ ra vấn đề đặt ra cho xúc tiến thương mai hiện nay là phân tán nguồn lực, phân tán thông tin, tổ chức theo bề nổi. “Sáng nay, để chuẩn bị phát biểu về dự luật, tôi có vào trang web của cục xúc tiến thương mại Hàn quốc, Nhật Bản và thấy rằng thông tin của họ rất đầy đủ. Tôi đề nghị phải nghiên cứu để có điều khoản quy định về xúc tiến thương mại quốc gia, cần một địa chỉ để kết nối tất cả các doanh nghiệp, các thông tin”.

Luật không chứa đựng giấy phép mới

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội có nhiều nội dung giá trị giúp cơ quan soan thảo, thẩm tra nâng cao chất lượng luật. Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự luật.

Giải trình thêm các ý kiến đại biểu về thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong quản lý ngoại thương, đảm bảo cơ chế công bằng, công khai, chống lợi ích nhóm…, Bộ trưởng khẳng định, văn bản luật này được xây dựng dựa trên tinh thần hiến định, hiến pháp, đảm bảo những nguyên tắc cao nhất về quyền tự do kinh doanh, xuất nhập khẩu, hoàn toàn không có nội dung nào chứa đựng giấy phép mới hay thêm quy định mới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, yêu cầu lớn là xác định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm trước người dân, Quốc hội về quản lý ngoại thương. Đồng thời có các cơ chế đi kèm để đảm bảo cơ chế phối hợp trong các lĩnh vực có liên quan với các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan chuyên ngành.

Theo Bộ trưởng để duy trì cơ chế công khai, minh bạch, dự luật đã yêu cầu cơ quan soạn thảo luật là cơ quan đầu mối có trách nhiệm phải xây dựng nhanh nhất văn bản dưới luật để cụ thể hoá những nội dung được quy định với cơ chế rõ ràng, đặc biệt phải ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính. Bộ trưởng cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng sẽ thực hiện rõ ràng, đầy đủ những cơ chế nội dung liên quan đến việc thực hiện phân cấp giữa các địa phương”…

Giải trình về cơ quan xúc tiến thương mại, hoạt động thúc tiến thương mại, Bộ trưởng cho hay, những năm qua, nước ta đã có những nỗ lực lớn để mở cửa thị trường. Và một trong những công cụ quan trọng mà Tổ chức thương mại thế giới cho phép các nước thành viên được quyền sử dụng là công cụ xúc tiến thương mại, các quốc gia khác cũng đều sử dụng có hiệu quả công cụ này.

Theo Bộ trưởng, chúng ta có hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm: đại diện về thương mại, công nghệ, lao động, công vụ… Bộ Công Thương cũng có hệ thống đại diện tại khoảng 56 quốc gia và nền kinh tế. Đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan đại diện ở nước ngoài có nhiệm vụ tham gia phục vụ và hỗ trợ về phát triển thương mại nhưng tham gia trực tiếp và làm cơ quan đầu mối thống nhất cả trong và ngoài nước thì đang vướng mắc.

Bộ trưởng phân tích, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, UBTVQH trình phương án không thành lập thêm hệ thống xúc tiến thương mại nhưng giao nhiệm vụ thêm cho cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp tham gia xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nếu chỉ giao nhiệm vụ cho cơ quan đại diện thì gặp các vướng mắc về chức năng. Hơn nữa nguồn lực cũng không thực thi được theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là huy động nguồn lực của các doanh nghiệp hiệp hội… “Mong Quốc hội xem xét cho ý kiến để có cơ chế linh hoạt, khai thác tối đa nguồn lực để phục vụ phát triển thương mại cũng như hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hội nhập, phát triển thương mại quốc tế” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực