“Nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công"

Thứ ba, 10/12/2019 21:18
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề của hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với nông dân diễn ra ngày 10/12 do Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Thành ủy TP.Cần Thơ tổ chức.

Dự hội nghị có 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân.

Hơn 2000 câu hỏi từ nông dân

 
 Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân (ảnh: danviet.vn)

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ nhất ở Hải Dương năm 2018 đã tạo động lực tinh thần cho nông dân, cổ vũ động viên người nông dân tự lực tự cường, tăng cường hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tiếp tục vượt qua khó khăn và đạt được kết quả ngày một cao.

Ban tổ chức cho biết, đã nhận 2.000 câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...

Hoan nghênh và chào mừng 300 đại biểu nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã về đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn bà con nông dân nêu lên những vấn đề từ thực tiễn sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản; nguồn vốn tín dụng, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại… Nhà nước phải làm gì? người dân phải làm gì? Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, dự đối thoại còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản... sẽ giúp giải đáp các vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Đặc biệt, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng mong muốn lắng nghe ý kiến của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến sâu sắc, sát thực của các cấp Hội Nông dân và các bộ, ngành cần tham gia trả lời thẳng thắn, trách nhiệm.

Tháo gỡ những vướng mắc

 
 Đại diện nông dân đặt câu hỏi tại hội nghị (ảnh: danviet.vn)

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, nông dân Trần Công Danh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đặt vấn đề, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa thực hiện?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ đã ứng dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học của Bộ hàng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ. Hiện, Bộ đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I năm 2020 để triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ.

Nông dân Ngô Hùng Thắng, ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, tác giả hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại Smart Viet HT- 8917 cho biết: Hiện nay, người nông dân tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy suất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn do nông dân không tự làm được.

Còn nông dân Ngô Hùng Thắng Đề mong muốn được tư vấn về các giải pháp, chính sách hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Giải đáp những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Chúng ta có nền nông nghiệp rất thuận lợi để phát triển một số sản phẩm đặc thù như trái cây nhưng chúng ta còn nhiều vướng mắc trong xuất khẩu.

Cụ thể là sản lượng đạt rất lớn nhưng năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất tốt, không có biện pháp điều hành mùa vụ tốt nên câu chuyện được mùa mất giá thường xuyên xảy ra.

 
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải đáp những thắc mắc của nông dân (ảnh:danviet.vn) 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh Theo dù thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện, năng lực sản xuất đang mở rộng và tăng nhanh nhưng vẫn cần tính đến việc tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường. Ngoài ra, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cũng cần đẩy mạnh để tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến nâng cao được khả năng cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hoá ngoại nhập. Chưa dừng lại ở đó, bản thân người dân chúng ta phải đổi đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu lại.

Bên cạnh đó, tại hội nghị nhiều vấn đề về hính sách hỗ trợ các sáng chế trong nông nghiệp; những chính sách đột phá gì để ưu tiên, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, người chăn nuôi nhỏ lẻ; Quy hoạch, giống và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản… cũng được nông dân đặt ra và nhận được giải đáp từ đại diện các bộ, ngành Trung ương.

“Nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công”

Kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. Theo Thủ tướng, đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp thu, giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để giao các bộ, ngành tiếp tục thực hiện. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đều đạt được những thành công quan trọng. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra về tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thông qua các ý kiến trao đổi tại hội nghị có thể hình dung một cách hệ thống những vấn đề bà con nông dân quan tâm.

 
leftcenterrightdel
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị (ảnh:danviet.vn)

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bà con còn nhiều thắc mắc, băn khoan về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, vấn đề hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng nuôi hay thị trường, liên kết vùng… Một vấn đề được bà con nông dân quan tâm đó là cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả… Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra. Đặc biệt là về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời, cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…

Thủ tướng cũng nêu rõ, một vấn đề rất lớn đối với ngành thủy sản là giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách cho vay đóng tàu cá. “Trả nợ được thì như thế nào, không trả nợ được như thế nào, hoán đổi làm sao…”.

Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của người nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu, khẳng định cung ứng đủ vốn cho nông dân, bãi bỏ thủ tục phiền hà cho nông dân đồng thời đặt vấn đề giảm lãi suất phù hợp để giảm chi phí cho sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Thủ tướng cũng bày tỏ, trong thời đại công nghệ, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.

Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, bảo vệ chống sạt lở và biến đổi khí hậu.

* Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm mô hình sinh thái miệt vườn của nông dân tại xã Phong Điền, Cần Thơ./.

Hoàng Mẫn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực