Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng

Thứ năm, 18/07/2019 20:56
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương vừa xây dựng và phát hành cuốn “Cẩm nang quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ” gồm những nội dung cơ bản về tầm quan trọng của ATTP, quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP tại Việt Nam.
Ngành Công Thương đảm bảo công tác ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh: K.D)

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với báo Công Thương tổ chức hội thảo về đảm bảo ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm; nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP.

Theo thống kê, cả nước hiện có 8.475 chợ, trên 1.000 siêu thị (tăng 78 siêu thị tương đương 8,4% so với năm 2017); 212 trung tâm thương mại (tăng 22 trung tâm thương mại, tương đương 11,6% so với năm 2017) và khoảng hơn 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo ATTP của ngành công thương.

Nhận định về việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát thị trường về ATTP trong tình hình mới, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường - bà Phạm Thị Vĩnh Hà cho hay, những năm qua, đây là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt. Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường đã trực tiếp tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật ATTP, Nghị định hướng dẫn Luật ATTP, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, các thông tư của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trong lĩnh vực ATTP.

Ngoài ra, các Cục Quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố cũng tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cũng như xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là lưu ý các sản phẩm thực phẩm thuộc nhóm hàng Bộ Công Thương quản lý. Mặt khác, các đơn vị quản lý địa bàn cũng theo dõi số lượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm để cập nhật tình hình, nắm chắc diễn biến để từ đó đưa ra các phương án kiểm tra, kiểm soát phù hợp với đặc thù của từng địa phương, ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

Bà Phạm Thị Vĩnh Hà cũng đưa ra dự báo: Thời gian tới do áp lực năng suất vật nuôi, cây trồng nên có thể gia tăng việc sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm, gây ô nhiễm và tồn dư hóa chất. Vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các văn bản pháp luật về ATTP để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: K.D)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chia sẻ, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai quản lý Nhà nước về ATTP. Thời gian qua, Bộ Công Thương quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu; góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Cụ thể, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và phát hành cuốn “Cẩm nang quản lý vệ sinh ATTP tại chợ” gồm những nội dung cơ bản về tầm quan trọng của ATTP, quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP tại Việt Nam, kiểm tra vi phạm về ATTP…Cẩm nang này hướng dẫn và đáp ứng các yêu cầu trong quá trình thẩm định thực tế đối với cơ sở kinh doanh, giải đáp câu hỏi thường gặp trong quá trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho các đối tượng là công chức, viên chức quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại nhiều địa phương trên cả nước nhằm đảm bảo ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ về việc triển khai cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ, thúc đẩy đơn vị kinh doanh mặt hàng thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, mạng lưới cơ sở kinh doanh thực phẩm của Việt Nam tăng dần hàng năm về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của hoạt động này nhằm khuyến khích, hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định pháp luật và đảm bảo ATTP trong kinh doanh như ISO, HACCP hay tiêu chuẩn Việt Nam về chợ thực phẩm.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATP tại 24 địa phương và 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP, cửa hàng tổng hợp những mặt hàng thuộc phạm vi quản lý từ 2 bộ trở lên, cửa hàng nước khoáng, bánh các loại.

Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động của chính doanh nghiệp mình; đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông, marketting, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín sản phẩm, phát triển thị trường bền vững, tạo nguồn cung đảm bảo./.

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực