Ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu

Thứ sáu, 21/07/2017 19:12
(ĐCSVN) – Ngày 21/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P)

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, sau 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng TCTD giai đoạn 2011-2015” (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012) và hơn 3 năm triển khai Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013), trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới có nhiều yếu tố không thuận lợi, các TCTD vừa phải tự tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vừa tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, với sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, trong giai đoạn vừa qua, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD đã được giữ vững, nhiều TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại; nợ xấu đã được kiềm chế ở mức dưới 3%.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cũng đánh giá, mặc dù quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống TCTD Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao.

Chính vì vậy, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị; đồng thời, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV.

Đối với Đề án cơ cấu lại các TCTD, các giải pháp đề ra tại Đề án tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm; các giải pháp về xử lý nợ xấu; và các giải pháp hỗ trợ để đảm bảo việc triển khai Đề án thành công.

Đối với Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàngliên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện rất khó khăn, nhiều khoản nợ kéo dài từ nhiều năm  chưa giải quyết được. Mặc dù ngân hàng có được xử thắng kiện và thi hành án với một tài sản đảm bảo, nhưng do thiếu sự hợp tác của người vay, các cơ chế pháp luật hiện tại cũng bảo vệ quá nhiều cho người vay mà không quan tâm quyền lợi chủ nợ, nên quá trình xử lý nợ xấu còn chậm và khó khăn. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng  đang kỳ vọng Nghị quyết là bước mới để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, tạo thanh khoản cho các khoản nợ cũng như tài sản đã tồn đọng lâu nay. Đồng thời mong  sự phối hợp của cấp chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng được thuận lợi hơn./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực