Ngày mai (22/6), Hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ tư, 21/06/2017 21:58
(ĐCSVN) – Chiều 21/6 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ 12 khóa VIII. Một nội dung quan trọng tại Hội nghị lần này là thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình của Ban Thường trực về hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.


Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngay sau khi vừa bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14. Trong kỳ họp này, ngày 15/6/2017, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết liên tịch về quy định các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Về pháp lý, đây là văn bản cao nhất sau Hiến pháp, sau Luật MTTQ, hướng dẫn một việc mới đó là công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam. Nghị quyết liên tịch giữa Quốc hội – Chính phủ và MTTQ Việt Nam là nội dung của cơ chế chính trị có ý nghĩa, chi phối hoạt động của MTTQ, hệ thống chính quyền các cấp và có sự tham gia chặt chẽ của Quốc hội. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong 6 tháng vừa qua để tới đây Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội.

Đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động của MTTQ các cấp trong hoạt động này, trong đó chú trọng thông qua truyền thông để tuyên dương những gương điển hình trong giám sát, phản biện. Bên cạnh đó, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và sớm có thông tri hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, hội nghị lần này có 2 nội dung chính: Đánh giá công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2017; Hiệp thương nhân sự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 9/5/2017, vì vậy, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị về nhân sự giới thiệu hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban sẽ hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mới thay đồng chí Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 22/6.

Phát huy vai trò chủ động của MTTQ các cấp trong giám sát, phản biện xã hội

Sau khi đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2017. Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, 6 tháng đầu năm 2017, chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2017 được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nỗ lực triển khai, trong đó nhiều nội dung công tác có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở. Đáng chú ý, vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp tổ chức sơ kết trực tuyến 3 năm thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội. Sau 3 năm triển khai, cấp trung ương đã tổ chức được 10 chương trình giám sát có phạm vi toàn quốc; ở cấp tỉnh đã tổ chức 721 cuộc giám sát; cấp huyện: 6.404 cuộc; ở cấp xã: 49.564 cuộc. Cấp tỉnh tổ chức được 784 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện: 4.043 cuộc; cấp xã: 25.834 cuộc. Các hoạt động giám sát của Mặt trận đã từng bước trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Công tác phản biện xã hội ở cấp Trung ương và ở nhiều tỉnh, thành đã triển khai ngày càng bài bản và chất lượng hơn. Bước đầu Mặt trận đã tập hợp những thông tin báo chí và ý kiến của nhân dân về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng để phản ánh với các cơ quan chức năng.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Một trong những hạn chế mà Mặt trận cho rằng cần khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2017 đó là việc nắm bắt tình hình trong đời sống nhân dân ở một số địa phương còn chưa chủ động và chưa bám sát địa bàn cơ sở. Chưa dự báo được tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy và phối hợp với chính quyền chủ động tháo gỡ, giải quyết. Ở một số địa phương khi xảy ra điểm nóng chưa phát huy rõ vai trò của Mặt trận trong tham gia tổ chức tiếp xúc, đối thoại và vận động quần chúng nhân dân. Cùng với đó, ở một số lĩnh vực, địa bàn, mặt trận chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chưa giám sát tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn bất cập…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định: Từ nay đến cuối năm, công tác Mặt trận tập trung vào việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy vai trò chủ động của MTTQ các cấp trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Đồng thời, MTTQ Việt Nam tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thảo luận và cho ý kiến vào Tờ trình của Ban Thường trực về hiệp thương cử Chủ tịch và Tờ trình hiệp thương bổ sung nhân sự Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VIII); biểu quyết thông qua các Tờ trình của Đoàn Chủ tịch trình Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về nhân sự./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực