Ngôi nhà ươm mầm những ước mơ

Thứ ba, 24/09/2019 14:42
(ĐCSVN) - Với những gì thầy giáo Phan Bá Tân mang lại cho các em học sinh Trường THPT Mai Thúc Loan, Lộc Hà, đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng khó phai về hình ảnh một người thầy đang ngày đêm rèn học sinh của mình “thành người” trước khi “thành danh”.

Được nghe kể nhiều về thầy giáo dạy Vật lý Phan Bá Tân, chúng tôi tìm đến nhà riêng của thầy tại xã Thạch Mỹ (Lộc Hà - Hà Tĩnh). Thầy đi dạy học chưa về, nhưng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà nhỏ có mấy bạn học sinh đang học bài, có bạn thì đang nấu cơm, nhặt rau. Hỏi ra, chúng tôi mới biết đó là những học sinh ở lại nhà thầy để thầy kèm cặp. “Chúng em được thầy cho ở nhờ. Nhà tuy nhỏ nhưng vừa là lớp học, vừa là ngôi nhà của gia đình thầy và 4 học trò chúng em. Bố mẹ gửi chúng em ở đây, thầy không thu tiền ăn, ở, chỉ là lúc mớ rau, lúc yến gạo bố mẹ chúng em gửi thầy cô mà thôi”.

Là một đảng viên, Bí thư Chi đoàn giáo viên, thầy luôn ghi nhớ câu nói của Bác
“Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng”.

Đúng lúc đó, thầy Tân đi dạy về, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi ánh lên niềm vui khi biết nhà có khách. Tiếp chúng tôi ngay tại phòng khách, vừa là phòng ở, phòng học của các em học sinh, thầy cho biết, ngay từ khi chưa lập gia đình, nơi đây đã là lớp học, là nơi ở của một số học sinh. Mọi việc bắt đầu khi lớp thầy chủ nhiệm có một học sinh bố làm ăn xa, không ai quản lý dẫn đến việc em mải chơi, không tu chí học tập, thầy buộc em phải đến học ở nhà mình để dễ quản lý, kèm cặp. Thấy vậy, một số phụ huynh gần nhà có hoàn cảnh tương tự cũng đã đến xin thầy quản lý con em mình. Thầy vui vẻ đón nhận tất cả với mong muốn góp sức để các em có chỗ dựa về tinh thần và học tập tốt.

Sau khi thầy lập gia đình, lớp học - ngôi nhà đó vẫn tiếp tục tồn tại bởi sự đồng tâm, chia sẻ của người bạn đời – một cô giáo dạy Tin học cùng trường. “Ngôi nhà nhỏ không chỉ làm mái ấm của vợ chồng tôi, mà còn là mái nhà thứ hai cho gần 20 em học sinh thuộc nhiều thế hệ khác nhau đến tá túc và học tập, rèn luyện để trưởng thành trên con đường lập thân, lập nghiệp. “Có những giai đoạn, có 7,8 em cùng ăn ở, sinh hoạt, học tập trong nhà. Ngôi nhà của chúng tôi dần dần đã trở thành lớp học, một địa điểm để nhiều em tự tìm đến nhằm tìm kiếm sự quyết tâm và rèn giũa ý chí trong học tập”.

Đôi khi, thầy thấy thương và thầm cảm phục ý chí của nhiều em học sinh. Không quản ngày đêm, gió rét, đặc biệt là mùa ôn thi, ngoài những em ở nhà thầy, có những em nhà gần đến học cùng các bạn đến 2, 3 giờ sáng mới trở về nhà. Tuy nhiên, cũng có những em đã bỏ cuộc vì không chịu được sức ép kỷ luật, không theo được nhịp học của bạn bè ở đây,...

Quan trọng nhất, “ở đây, các em được đưa vào nền nếp, kỷ luật khi học hành; biết chia sẻ, giúp nhau trong học tập và cuộc sống, biết tự giác làm việc nhà, giúp đỡ thầy cô, có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh”.

Khi hỏi về những khó khăn khi nhà chật, con nhỏ, kinh tế còn thiếu thốn mà vẫn cưu mang học sinh, thầy Tân cho biết:  Thầy luôn tâm niệm, “dạy tức là học hai lần”, chính các em đã giúp thầy có thêm nghị lực, năng lượng và ý chí quyết tâm trau dồi kiến thức, trang bị thêm kiến thức cho mình. Đồng thời, sự có mặt của các em, nhất là những em có ý chí, nghị lực vượt khó, có niềm khát khao học tập... đã nhắc nhở thầy sống xứng đáng hơn trong tư cách của một người thầy, sống có trách nhiệm hơn với xã hội. “Chính các em đã đem đến niềm vui, khiến chúng tôi thêm yêu nghề, yêu đời, thêm vững tin vào thế hệ trẻ,... Chúng tôi thấm thía hơn rằng: Điều quan trọng trong cuộc đời không phải chỉ là “thành danh” mà quan trọng hơn là “thành người”. Bản thân các em cũng là tấm gương để các con tôi soi vào đó mà học tập”. 

Không có niềm vui, nguồn động lực nào lớn hơn đối với người làm nghề giáo khi được chứng kiến thành công, sự trưởng thành từ nỗ lực vượt khó, vượt khổ của chính các em học sinh thân yêu của mình và mình có đóng góp một phần, dù nhỏ. Đã có lúc, ngôi nhà nhỏ như bung nở niềm hạnh phúc khi nhận được tin các em thi đỗ vào đại học, như em Lê Văn Sơn, sinh năm 1996, quê ở xã Thạch Mỹ, Lộc Hà, thi đậu Học viện Hải quân; em Lê Quang Hải, sinh năm 1996, quê ở xã Thạch Châu, Lộc Hà thi đậu vào Học viện Phòng không không quân; em Phạm Văn Hoàng, sinh năm 1998, quê ở xã Mai Phụ, Lộc Hà, thi đậu vào Học viện Hải quân; em Nguyễn Văn Kiên, sinh năm 1998, quê ở xã Hộ Độ, thi đậu Học viện An ninh, v.v. Có nhiều em, tuy chưa thành công trong việc học ở trường nhưng đang mỗi ngày nỗ lực rèn luyện để trưởng thành trong cuộc sống, trường đời.       

Yêu nghề, gắn bó với nghề, tuy nhiên, đôi lúc thầy Phan Bá Tân không khỏi băn khoăn, trăn trở với nghề. Là một đảng viên, Bí thư Chi đoàn giáo viên, thầy luôn ghi nhớ câu nói của Bác “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng”. Trong nhịp sống hiện đại hiện nay, khi cơ chế thị trường tác động lên mọi mặt của đời sống và vấn đề lao động, việc làm có nhiều bất cập, nhiều học sinh đã giảm sút ý chí và mục tiêu trong học tập. Có lúc, có nơi, người giáo viên còn chênh vênh, dao động lập trường giữa tinh thần trách nhiệm và đạo đức của một người thầy với giá trị vật chất đảm bảo chất lượng đời sống; làm thế nào để những giáo viên tâm huyết, có trách nhiệm có thể tiếp tục đứng vững trong nghề; “dạy chữ” để thi, để “thành danh” hay “dạy người” để sống, để “thành người”... Con người với tất cả yếu tố “đức - trí - thể - mỹ” là những nhân tố góp phần quyết định cho hạnh phúc, cho vận mệnh, số phận của mỗi người. Trong sự nghiệp lớn lao, vinh hạnh mà nhiều khó nhọc ấy, chất lượng đời sống và năng lực trí tuệ, phẩm hạnh của người làm thầy bao giờ cũng cần được quan tâm và chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng.

Dù thầy Tân luôn cho rằng, những việc mình đã và đang làm là điều hiển nhiên, tất yếu của bất kỳ người giáo viên nào có trách nhiệm với nghề; những điều đó chỉ là cái duyên nghề nghiệp, là điều hiển nhiên phải làm với mỗi người thầy, nhưng tôi lại cho rằng,  với các em học sinh thân yêu, thầy Tân đã cho đi cái tâm chân thành, trong sáng, vô tư, không vụ lợi, cùng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề để rồi được nhận lại rất nhiều, nhất là thái độ trọng tình trọng nghĩa, sự yêu mến, tôn trọng đối với người làm thầy. Thầy thật sự là tấm gương về đạo đức, nhân cách, để mỗi chúng ta, khi soi vào, nhận ra những khiếm khuyết của mình, để cố gắng, để có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực