“Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”

Thứ bảy, 10/06/2017 16:47
(ĐCSVN) – Ngày 10/6 tại Hà Nam, Tỉnh ủy Hà Nam, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017) và 7 năm ngày mất của nhà báo Hoàng Tùng (29/6/2010 - 29/6/2017).

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử văn hiến, quê hương của nhiều nhà cách mạng, nhà văn hóa, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước, trong đó có nhà báo Hoàng Tùng (ông sinh ngày 14/1/1920 tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) – người giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt, là cán bộ cấp cao của Đảng: nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng…

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước” - Ảnh: Minh Châu

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đối với báo chí cách mạng Việt Nam, với lịch sử hơn 90 năm, trong số các nhà báo lão thành, các nhà báo bậc thầy, Hoàng Tùng là cây đại thụ như cách gọi của nhiều nhà báo tên tuổi. Con người và sự nghiệp của Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam.

Hội thảo đã nhận được 30 tham luận tập trung vào 3 chủ đề: cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Tùng, trên cương vị là cán bộ cao cấp của Đảng qua các thời kỳ; nhà báo Hoàng Tùng với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam và các bài viết về tình cảm của nhà báo Hoàng Tùng với gia đình, người thân, bạn bè, quê hương.

Nói về nhà báo Hoàng Tùng, tại Hội thảo, nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nói: “Phần lớn cuộc đời hoạt động của anh gắn bó mật thiết với mặt trận tư tưởng, văn hóa và báo chí của Đảng, trong đó, anh vừa là chiến sĩ, vừa là người chỉ huy. Anh để lại dấu ấn sâu sắc của một người lãnh đạo đồng thời là người cầm bút trực tiếp. Học Bác Hồ, học đồng chí Trường Chinh về tư tưởng báo chí và cách làm báo là điều anh luôn ghi nhớ. Rất đúng khi nói Hoàng Tùng là nhà chính luận bậc thầy. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn nhất, nóng bỏng nhất… Phong cách của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm Báo Nhân dân mà cả giới báo chí, qua những bài viết ký tên hay không ký tên đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng”.

Còn với nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nhà báo Hoàng Tùng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và truyền thông. Ông là nhà báo, là người chỉ đạo báo chí sắc sảo, năng động, hiểu biết rộng, nhạy bén với cái mới, chan hòa với thực tiễn, am tường nghiệp vụ truyền thông. “Yêu cầu khắt khe với chính mình, đòi hỏi cao mà thông thoáng với cộng sự, khó mà dễ, tưởng dễ thực ra khó, đấy chính là nét tiêu biểu tạo nên phong cách nhà báo và nhà lãnh đạo Hoàng Tùng”, nhà báo Phan Quang nói.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Hội thảo khoa học “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước” thực sự là sự kiện chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và 7 năm ngày mất của nhà báo Hoàng Tùng, là dịp để tri ân, vinh danh những đóng góp to lớn của nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam, với đất nước, với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương Hà Nam, đặc biệt cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà báo.

Các tham luận đã khắc họa cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động của đồng chí Hoàng Tùng, qua những năm tháng giữ các trọng trách của Đảng, trong đó quãng thời gian dài nhất và ghi dấu ấn sâu sắc nhất là 30 năm làm Tổng biên tập Báo Nhân dân và gần 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam… với nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt là những đóng góp trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí, tuyên truyền.

*Trước đó, vào chiều ngày 9/6, các đại biểu đã tham dự lễ gắn biển tên đường phố mang tên nhà báo Hoàng Tùng tại TP Phủ Lý.

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực