Nhật Bản chuẩn bị tiến hành cải tổ Nội các

Thứ ba, 11/07/2017 11:29
(ĐCSVN) – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang lên kế hoạch cải tổ Nội các và thay đổi một số vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng tới, trong một phần nỗ lực nhằm cải thiện tỷ lệ tín nhiệm sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo diễn ra vào tuần trước.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Worldpress.com)

Trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố diễn ra ngày 2/7, chính đảng mới của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và các đồng minh đã giành đa số ghế và khiến đảng LDP của ông Abe phải hứng chịu thất bại nặng nề ở khu vực bầu cử Tokyo. Diễn biến này được xem là đã đẩy Thủ tướng Abe vào một tình huống khó khăn nhất trong quãng thời gian gần 5 năm nắm giữ cương vị chèo lái đất nước Nhật Bản.

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do tờ Yomiuri Shimbun thực hiện và vừa được công bố ngày 10/7 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe đã xuống mức thấp nhất kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012, chỉ còn 36% - giảm mạnh so với tỷ lệ ủng hộ 49% được ghi nhận vào tháng trước. Trong khi đó, tỷ lệ phản đối nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tăng lên 52% so với tỷ lệ 41% của tháng trước. Tờ báo này nhận định tỷ lệ ủng hộ ông Abe đang suy giảm ở mức “đáng báo động”, khi viện dẫn tới thực tế rằng, mới chỉ cách đây 2 tháng, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng còn ở ngưỡng 61%.

Tờ Asahi cũng vừa công bố kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Abe đang ở mức 33% và có xu hướng giảm so với con số 38% ghi nhận được vào tuần trước. Điều đáng nói là trong tổng số người tham gia cuộc thăm dò thì có 60% cử tri độc lập không ủng hộ Nội các của ông Abe và Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga khẳng định rằng Thủ tướng cũng đã nhận biết được vấn đề này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Suga nói: “Tôi tin rằng, Thủ tướng muốn thật lòng tiếp nhận điều này như là tiếng nói của người dân”. Bên cạnh đó, phát ngôn viên cấp cao của chính phủ Nhật Bản cũng thừa nhận rằng, hiện chính quyền của Thủ tướng Abe cần tập trung nhiều hơn nữa vào một số nhiệm vụ, trong đó có việc tái thiết nền kinh tế.

Trong khi đó, phát biểu trước các phương tiện truyền thông khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo trong nhóm G20, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông sẽ giữ lại những gương mặt chủ chốt trong khi tiến hành cải tổ Nội các và LDP, dự kiến diễn ra vào ngày 3/8. “Tôi sẽ cải tổ bộ máy lãnh đạo của LDP và Nội các vào đầu tháng tới, nhằm lấy lại thiện cảm của người dân…Sự ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng để mang lại kết quả. Chính vì thế, những yếu tố nào thuộc về cấu trúc cốt lõi của Nội các không nên bị thay đổi một cách một cách thường xuyên” – ông Abe nói.

Truyền thông Nhật Bản nhận định, những tuyên bố mới nhất do ông Abe vừa đưa ra đã để ngỏ khả năng nhà lãnh đạo này sẽ giữ lại Phó Thủ tướng Taro Aso – người đang kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga và Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai trong khi sẽ thay thế vị trí Bộ trưởng Quốc phòng do bà Tomomi Inada đang nắm giữ. Hiện bà Inada đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ chức sau khi đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi với hàm ý nhằm kêu gọi ủng hộ một ứng cử viên của LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Tokyo.

Theo lập luận của giới phân tích, thì các cuộc cải tổ Nội các thường được lãnh đạo các nước thực hiện nhằm mục đích cải thiện hình ảnh đang trở nên mờ nhạt trong mắt người dân. Tuy nhiên, ông Suga đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này và cho rằng, Thủ tướng Abe đang muốn lựa chọn những “gương mặt phù hợp nhất” vào các vị trí trong Nội các để có thể hoàn thành những sứ mệnh mà chính quyền của ông “phải thực hiện”.

Một năm về trước, khối cầm quyền của ông Abe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện, cho dù vào thời điểm đó, dư luận vẫn chưa đặt trọn vẹn niềm tin vào các chính sách kinh tế và kế hoạch sửa đổi Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản do ông Abe khởi xướng.

Tuy nhiên, kể từ sau thời điểm trên, chính quyền của ông Abe đã phải trải qua nhiều sóng gió, xuất phát từ vụ bê bối liên quan tới những cáo buộc về việc nhà lãnh đạo Nhật Bản đã ưu ái công việc kinh doanh của một người bạn thân, một số thành viên trong Nội các Nhật Bản có phát ngôn gây tranh cãi cũng như những hoài nghi xung quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản.

Mới đây nhất, ngày 10/7, ông Abe lại tiếp tục gặp phải thách thức mới sau khi cựu thứ trưởng Bộ giáo dục của Nhật Bản Kihei Maekawa đã ra điều trần trước Quốc hội về những nghi ngờ cho rằng Thủ tướng đã can thiệp để giúp công ty của người bạn Kotaro Kake mở một trường thú y. Tuy nhiên, ông Abe đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này./.

Thu Lan (Theo Reuters, NHK, AAP/sbs.com.au)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực