Nhiều địa phương chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trong sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 25/01/2016 19:09
(ĐCSVN) - Các tỉnh miền Bắc đang phải hứng chịu đợt rét đậm, rét hại diện rộng, nhiều nơi xuất hiện băng, mưa tuyết gây hại cho ngành nông nghiệp. Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó.

Băng tuyết làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa. (Nguồn: congly.com.vn)

* Tại Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã có văn bản gửi các huyện, thành phố, thị xã và phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám sát chặt và hướng dẫn nông dân phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra đối với sản xuất vụ chiêm xuân 2015 - 2016, nông dân cần chú ý che phủ nilon cho tất cả diện tích mạ đã gieo, giữ ẩm và ấm cho mạ. Đồng thời, vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, tuyệt đối không gieo hoặc cấy. Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp Hải Dương cũng yêu cầu các địa phương phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo kín gió, vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn, nước uống, thuốc thú y trong những ngày mưa rét; trữ thức ăn thô khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, đảm bảo thức ăn thô cho trâu bò, bình quân khoảng 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét...

* Tại Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử 5 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, các biện pháp để chống rét cho đàn gia súc là che chắn chuồng trại chăn nuôi, phòng chống mưa rét, gió lùa, có hệ thống sưởi ấm cho gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét; bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn giàu đạm, uống nước ấm, muối khoáng để gia súc, gia cầm đủ năng lượng chống rét và các loại dịch bệnh thâm nhập. UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động mỗi hộ chăn nuôi có một cây rơm, rạ hoặc cỏ khô, tận dụng thân cây ngô, lá mía… làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, vận động người chăn nuôi loại thải những con trâu, bò già; di chuyển đàn trâu, bò thả rông trong rừng về nuôi nhốt gần nhà để quản lý và chăm sóc.

* Tại Quảng Ninh, tỉnh đã khẩn cấp lập các đoàn công tác cấp tỉnh, cấp huyện xuống từng xã, thôn, khe, bản để vận động, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống rét cụ thể; phải chủ động thành lập đoàn kiểm tra đi chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các kỹ thuật phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng. Các huyện, thị xã, thành phố phải chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, thuốc tiêu độc khử trùng để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng; hướng dẫn tới các hộ chăn nuôi, trồng trọt thực hiện các biện pháp xây dựng, củng cố chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho gia súc và sử dụng sức kéo hợp lý. Đài phát thanh huyện cần liên tục phát các bản tin hướng dẫn phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi phục vụ bà con nông dân.

* Tại Sơn La, để tránh thiệt hại cho đàn vật nuôi trong mùa rét năm nay, ngành nông nghiệp Sơn La đã chủ động thành lập các đoàn công tác xuống tận các địa bàn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn bà con chăn nuôi phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Trước đó, ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh ban hành một số công văn, chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo với các hộ chăn nuôi đối với ngày mùa đông rét nhiệt độ xuống dưới 12 độ phải đưa đàn gia súc về nhà để tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, bổ sung  các loại thức ăn đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

* Tại Lào Cai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã có công điện khẩn gửi tất cả các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh nhằm chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết băng giá, mưa tuyết có thể xảy ra trong những ngày tới. Ngành nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo người dân trong đợt rét đậm, rét hại khẩn trương che đậy cây cối, hoa màu, không gieo trồng hạt giống, cây non. Người dân nên đưa gia súc về chuồng để chăm sóc, đảm bảo đầy đủ, cân đối nguồn thức ăn cho vật nuôi chống chọi với rét, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa tuyết gây ra. Dự trữ đủ nguồn thức ăn thô, xanh và bổ sung thức ăn tinh cho đàn gia súc...

* Tại Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ trước đợt rét đậm, rét hại đã có công văn chỉ đạo tới các huyện, thị xã và thành phố về phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động gia cố, che chắn hệ thống chuồng trại phù hợp với từng loại vật nuôi để tránh gió lùa, mưa hắt, tuyệt đối không chăn thả gia súc trong những ngày giá rét; dự trữ thức ăn và bổ sung thức ăn tinh bột nhằm đảm bảo sức đề kháng cho đàn gia súc, phòng chống các loại dịch bệnh xâm nhập; dự trữ củi khô, trấu để đốt, sưởi ấm cho gia súc. Để công tác phòng, chống rét cho gia súc đảm bảo hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã đề nghị các địa phương tiến hành cử đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét và dịch bệnh. Chủ động phương án hỗ trợ kịp thời cho việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn.

* Tại Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nông dân tạm dừng ngâm, ủ, gieo mạ, cấy lúa trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Đối với mạ, 100% diện tích mạ đã gieo phải che phủ nilong; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ. Đối với những diện tích lúa đã cấy cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2 - 3 cm, không được để khô ruộng. Đối với cây rau màu, không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đồng thời chuẩn bị tốt các khâu làm đất, giống, phân bón để khi thời tiết ấm lên thì tiến hành gieo trồng, đảm bảo kịp thời vụ. Mặt khác, nông dân thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại đầu vụ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp, chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Che chắn, củng cố chuồng trại chống rét; tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng vệ sinh môi trường chăn nuôi; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các địa phương không sử dụng gia súc làm việc hoặc cày, kéo khi nền nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 12 độ C; không chăn thả gia súc ngoài đồi, bãi.

* Tại Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống rét cho đàn gia súc trên toàn tỉnh; đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện nhiều biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi của hộ gia đình. Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra phòng chống đói rét vật nuôi. Trước dự báo rét đậm, rét hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tiến hành kiểm tra công tác chống rét tại toàn bộ 11 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn kể từ ngày 20/1. Công tác tuyên truyền, vận động cũng được chú trọng để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống như: Chuẩn bị đủ rơm, rạ, thức ăn, gia cố chuồng trại; khuyến cáo bà con nấu cháo loãng, cám, đun nước ấm cho trâu bò; không thả rông đàn gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; khoác các vật liệu sợi giữ ấm thêm cho trâu bò, đặc biệt là bê, nghé non khi nhiệt độ xuống thấp…

 

Đ.H (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực