Những quyết định thận trọng và trách nhiệm cao trước đất nước và nhân dân

Thứ năm, 28/11/2019 10:20
(ĐCSVN) - Với những gì diễn ra ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri và nhân dân cả nước thấy rằng, Quốc hội không chỉ hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà còn làm tốt vai trò giám sát của mình.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã kết thúc sau hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, dân chủ, với khối lượng lớn công việc được đặt lên bàn nghị sự giải quyết. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi); Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, đặt tiền đề cho giai đoạn 2021-2016; thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 và đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi.

Kỳ họp thứ 8 cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước với những phiên chất vấn sôi nổi tại nghị trường; những phát biểu thẳng thắn, trực diện của các đại biểu Quốc hội; những quyết định thận trọng và trách nhiệm cao trước đất nước và nhân dân.

Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm. Mặc dù vậy, thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách, Quốc hội ghi nhận cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%; thất nghiệp dưới 4%; tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm.

Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, nhiều đại biểu bày tỏ chưa thể yên tâm với những con số này. Bởi mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc.

Không khí nghị trường trong những ngày thảo luận về tình hình kinh tế xã hội cũng ghi nhận nhiều đại biểu băn khoăn, đặt câu hỏi vì sao câu chuyện giải ngân chậm? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp vào giá trị của GDP.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư sẽ lan tỏa đến các nguồn vốn của các khu vực khác, kể cả khu vực tư nhân. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, cho rằng: Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân sẽ hỗ trợ về tăng trưởng. Nhưng điều quan trọng là giải bài toán chống lãng phí, nếu làm chậm sẽ làm tăng chi phí trong đầu tư xây dựng. Điều quan trọng hơn là rà soát các quy định của luật liên quan đến xây dựng, đấu thầu để hoàn thiện thể chế, để từ đó không phải lặp lại tình trạng này cho những năm sau.

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Quốc hội nhất trí đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1% đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%... Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành cơ bản chương trình đề ra. Nét nổi bật trong kỳ họp này là công tác xây dựng pháp luật với việc thông qua 11 luật làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành, tạo thể chế phát triển bền vững của đất nước. Đáng chú ý, sau 3 kỳ cho ý kiến, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động (sửa đổi). Quy định về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo cử tri và nhân dân.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Trao đổi với báo chí khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thể hiện quan điểm “đón đầu” thách thức già hóa dân số cũng như giải quyết một mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo tăng trưởng xã hội. Đồng thời phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa bình đẳng giới và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ luật Lao động được thông qua, có những nội dung, có những vấn đề tác động vài chục năm. Đây cũng là dịp mà chúng ta đưa những vấn đề đã cam kết trong công ước quốc tế cũng như các hiệp định thương mại. Trong "sân chơi" chung, chúng ta nội luật hóa để phù hợp với sự vận hành chung của quốc tế nhưng cũng là phù hợp với điều kiện của chúng ta.

Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với quy định chính thức bỏ chế độ “viên chức suốt đời” có hiệu lực vào tháng 7/2020. Luật Cán bộ, công chức cũng quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng. Với 10 dự án Luật được cho ý kiến tại kỳ họp này, đáng chú ý nhất là lần đầu tiên dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được trình ra Quốc hội.

Tiếp nối các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 tiếp tục được được đổi mới. Bốn Bộ trưởng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Trong ba ngày, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.

Các phiên chất vấn tại kỳ này không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành. Trên tinh thần trả lời thẳng thắn, các bộ trưởng đã khu biệt được tương đối trách nhiệm người đứng đầu thuộc lĩnh vực mình quản lý. Phần trả lời của các bộ trưởng, rất thẳng thắn và cầu thị.

Tuy nhiên, lần đầu tiên trước Quốc hội đã có nhiều “khuyết điểm” được các bộ trưởng nhận về những hạn chế liên quan đến việc bộ mình chưa làm được. Điều đó cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại cần các bộ trưởng phải giải quyết trong thời gian tới. Phiên chất vấn với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trao đổi trực tiếp và tranh luận giữa các đại biểu đã góp phần làm rõ những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, được đông đảo cử tri quan tâm.

leftcenterrightdel
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, những vấn đề đại biểu nêu ra tại hội trường đều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Qua đó, đại biểu đã thực hiện đúng quyền và trách nhiệm đại diện cho nhân dân ở Hội trường Diên Hồng. Người dân và cử tri cảm giác như chính mình đang được chất vấn các bộ trưởng tại Hội trường Diên Hồng.

Bên cạnh công tác xây dựng luật và chất vấn, kỳ họp cũng thể hiện rõ chức năng giám sát tối cao thông qua giám sát chuyên đề của Quốc hội với vấn đề nóng, cử tri đặc biệt quan tâm. Hội trường Diên Hồng trong phiên họp trực tiếp, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 đã rất “nóng” với những nỗi lo về cháy nổ đang trở thành thường trực đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều đại biểu đánh giá, cháy không còn là vấn đề sơ suất, không còn do chập điện mà còn có nguyên do chính con người. Do đó, phải đề cao trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm, thậm chí xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các bộ ngành địa phương để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn.

Một điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá 4,8 tỷ đô la Mỹ. Nghị quyết nêu rõ, việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, cũng như quản lý của Nhà nước về hàng không, quân sự.

Quốc hội cũng đã thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện qua việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) khẳng định: Có thể xem đây là lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết lớn. Đây thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với đồng bào dân tộc miền núi. Đây cũng là dịp chúng ta tiếp tục tri ân và thể hiện trách nhiệm của mình đối với vùng còn khó khăn để giúp cho vùng này phát triển cùng đất nước và đảm bảo sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc. Quốc hội đã thông qua nghị quyết này là những điểm mang tính nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách của đồng bào dân tộc và những mục tiêu cần giải quyết.

Với những gì diễn ra ở kỳ họp thứ 8, cử tri và nhân dân cả nước đã thấy rằng, Quốc hội không chỉ hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà còn làm tốt vai trò giám sát của mình. Nhưng điều cốt lõi nhất và cao hơn cả mà cử tri quan tâm đó là những lời hứa và cách làm của Chính phủ, cũng như các thành viên Chính phủ trong việc cam kết thực thi hiệu quả các biện pháp đã đề ra, nhằm đưa đất nước phát triển./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực