Niềm tin của nhân dân chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này

Thứ sáu, 28/12/2018 11:57
(ĐCSVN) - Thủ tướng khẳng định: Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn,... chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.

Sáng ngày 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tuyến Chính phủ với địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Tư duy của chúng ta không lỗi nhịp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng tới tinh thần và quyết tâm của năm 2019, năm chúng ta bắt đầu tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2019 càng trở nên quan trọng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quang Hiếu).


Theo Thủ tướng, mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị cùng với nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả điều đó đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho Chính phủ kể từ ngày đầu nhận trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi lẽ có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán”, Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Thủ tướng nêu ra nhiều dẫn chứng cho nhận định này. Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%.

 “Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua.

“Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.

“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nêu rõ: Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả rất cụ thể. Mỗi thành quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem lại cho chúng ta khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn động đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu.

“Chúng ta đến những vùng khó khăn, xa xôi, thấy được ánh mắt, nụ cười của niềm tin của người dân, của người lãnh đạo và các loại hình doanh nghiệp” - Thủ tướng nói.

Kiêm trì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

 Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai một chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề.

Trước hết, đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển.

Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa, nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.

Thủ tướng nhấn mạnh:  Hội nghị hôm nay có sự tham gia của các đồng chí: Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và 63 địa phương trong cả nước thể hiện rõ tầm quan trọng của Hội nghị.

“Ý chí của một dân tộc và quyết tâm của chúng ta trong lần kỷ niệm lần thứ 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ (năm 2019) càng thôi thúc chúng ta cố gắng hơn nữa trong công việc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thủ tướng nói.


Hội nghị toàn quốc trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: Quang Hiếu.


Kiên định mục tiêu đề ra, luôn năng động, đổi mới

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018.

Theo đó, nhìn lại năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu đề ra, năng động, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, tăng cường đối thoại, lắng nghe; phát huy sức mạnh của tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công cụ thể, kết hợp hài hòa giữa giải quyết nhiệm vụ trọng tâm với xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách, phát sinh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia với tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Chính phủ đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng. Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tin, tạo động lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. 

Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị...

“Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét qua kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội vào tương lai phát triển của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động; trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời; việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài. Chưa chú trọng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động của chính sách; công tác thông tin, truyền thông định hướng chính sách chưa chủ động, thiếu dự báo nên chưa nhận được sự đồng thuận và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam…

Chính phủ cho rằng những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực