Phải bồi thường nếu sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước

Thứ tư, 21/06/2017 11:33
(ĐCSVN) – Sáng 21/6, với 460 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,69% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.


Quốc hội thông qua Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Ảnh: TH

Luật gồm 10 chương, 133 điều quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, Luật quy định rõ việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng và được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật...

Luật bổ sung quy định việc giao đất xây dựng trụ sở làm việc phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức và quỹ đất của địa phương.

Để đảm bảo chặt chẽ, tránh việc lợi dụng đầu tư dư thừa công năng, công suất để đưa vào kinh doanh tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Dự thảo luật đã quy định việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức; không cho phép đầu tư xây dựng mới tài sản từ ngân sách nhà nước chỉ sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đối với trường hợp dư thừa công suất khi đưa vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Ngoài ra, việc cho phép đưa vào khai thác đối với tài sản trên sẽ phù hợp với lộ trình thực hiện chuyển phí, lệ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... và phù hợp với lộ trình thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công.

Nhằm bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, Luật bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.

Để quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, quy định cấm lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng xe ô tô và các tài sản công khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật...

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị cần xử lý cả hành vi tiếp nhận sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin giải trình như sau: Thực tế hiện nay, hàng năm Chính phủ Việt Nam đang tiếp nhận nhiều tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dưới hình thức trao tặng, ủng hộ, viện trợ, như hệ thống nước sạch nông thôn, ô tô chuyên dụng, thiết bị y tế, thuốc men, thiết bị giáo dục… Việc nghiêm cấm hành vi nhận tài sản để tránh các tiêu cực trong việc nhận tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Luật này quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công, do đó, chỉ nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công (sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân) không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ và quy định những nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, sử dụng. Việc quy định cụ thể về xác lập quyền sở hữu, lập phương án xử lý tài sản tặng cho được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI và giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Chính phủ tại điểm đ khoản 4 Điều 13.

Về xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 11), có ý kiến cho rằng, việc quy định đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường là khó thực hiện, cần quy định rõ trách nhiệm lỗi cố ý, lỗi vô ý và có lỗi hay không có lỗi.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các nội dung trên. Theo đó chỉ quy định các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ thiệt hại và lỗi của cơ quan, cá nhân gây thiệt hại tài sản công do cố ý hay vô ý và có lỗi hay không có lỗi sẽ được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Nội dung này thể hiện tại khoản 1 Điều 11 Dự thảo luật./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực