Phạt cao nhất 1 tỷ đồng các hành vi làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản

Thứ ba, 21/11/2017 18:57
(ĐCSVN) – Với 89% số đại biểu Quốc hội tán thành, chiều ngày 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Luật Thủy sản gồm 8 chương, 105 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Luật nêu rõ nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc hoạt động thủy sản (Điều 5), Luật bổ sung định nguyên tắc phát triển thủy sản bền vững, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

Nhà nước có chính sách đầu tư cho các hoạt động sau đây:  Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;  Xây dựng cảng cá loại I, loại II, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; ) Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia trong hoạt động thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong lĩnh vực tạo giống thủy sản; sản xuất sản phẩm thủy sản quốc gia, sản phẩm thủy sản chủ lực; sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; công nghệ chế biến phụ phẩm thành thực phẩm hoặc làm nguyên liệu cho ngành kinh tế khác; Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề trong hoạt động thủy sản; Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;  Xây dựng trung tâm nghề cá lớn; Mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị cho tàu cá khai thác thủy sản trên biển từ vùng khơi trở ra;  Phát triển hoạt động thủy sản từ vùng khơi trở ra; khôi phục sản xuất khi có sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ;  Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản…

Luật cũng bổ sung “hộ gia đình” là đối tượng  được tham gia tổ chức cộng đồng cùng nhau quản lý và chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực được giao.

 

Quốc hội thông qua Luật Thủy sản. (Ảnh: TH).

Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Luật đã quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản, Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; giao UBND cấp tỉnh quy định bổ sung đối tượng cấm vào các danh mục này phù hợp với thực tế hoạt động khai thác thủy sản của địa phương sau khi được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT.

Về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Luật quy định Quỹ được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh.

Mặt khác, Luật quy định cụ thể hơn về: Điều kiện cấp phép khai thác thủy sản; cơ chế công khai nội dung liên quan đến xác định hạn ngạch; cơ chế minh bạch khi lựa chọn tổ chức, cá nhân được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; quy định về chuyên môn, nghiệp vụ của giám sát viên tàu cá; quy định về phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Đáng chú ý, liên quan đến quy định xử phạt hành chính để đủ sức răn đe các hành vi làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Luật đã được chỉnh sửa nhằm tăng cường tính răn đe, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng cũng như khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) và thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, đã chỉnh sửa và thể hiện lại khoản 2 Điều 60, đồng thời bổ sung khoản 1, Điều 105 sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm d Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính như sau “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng”, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về Kiểm ngư, Luật quy định hệ thống Kiểm ngư bao gồm: Kiểm ngư Trung ương; Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương. Chính phủ quy định chi tiết hệ thống Kiểm ngư, quản lý nhà nước, chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực