Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Thứ sáu, 20/10/2017 21:08
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 5.
 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tại phiên họp, Hội đồng đã thảo luận về báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ ba đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV; dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2018; cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016"; phối hợp thẩm tra, tham gia ý kiến dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và những vấn đề còn ý kiến khác nhau dự án Luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

* Tiếp tục đổi mới các hoạt động trong năm 2018

Căn cứ Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã tham gia phối hợp thẩm tra 5 dự án Luật; tham gia góp ý kiến cho các dự án Luật tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan chủ trì thẩm tra, các bộ, ngành, ban soạn thảo. Công tác xây dựng pháp luật có những đổi mới, cải tiến về hình thức tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến, phối hợp thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Đối với các hoạt động giám sát, Hội đồng đã tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề xuất một số nội dung, chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018. Công tác khảo sát, giám sát được triển khai bài bản, đúng chức năng, kế hoạch, tiến độ, hạn chế được giám sát trùng lắp, chồng chéo. 

Dự kiến, năm 2018, Hội đồng tiếp tục đổi mới, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động xây dựng Luật theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội đồng cũng tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, khảo sát sau kỳ họp thứ tư và dự kiến chương trình cho năm 2018. Theo đó, Hội đồng dự kiến giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo đối với dân tộc thiểu số'', "Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh'', ''Việc thực hiện cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi''... Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát, Hội đồng sẽ lựa chọn một số nội dung để đề xuất tổ chức các phiên giải trình, chất vấn.

Cho ý kiến về chương trình hoạt động sau kỳ họp thứ 4 và năm 2018, nhiều đại biểu thể hiện sự nhất trí cao đối với các nội dung giám sát về ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo đối với dân tộc thiểu số'' và ''Việc thực hiện cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi''... Nhiều ý kiến cho rằng việc giám sát chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo và cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức cần thiết trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc. Qua giám sát sẽ đánh giá được những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, hạn chế; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện; đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số về giáo dục và phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số trong điều kiện hiện nay. Nhiều đại biểu cho rằng công tác giám sát cần được khẩn trương thực hiện để có thể gắn với các chương trình hoạt động, nhiệm vụ của Hội đồng trong năm 2019.

* Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng

Cho ý kiến về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tôc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016", các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều nhất trí với nội dung báo cáo. Các đại biểu đánh giá chính sách giao đất, giao rừng nói chung và giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng quản lý, bảo vệ là một chủ trương đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước ta; phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống canh tác, sản xuất từ bao đời gắn với rừng của đồng bào.

Hiện, tại hầu hết các tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình bước đầu có hiệu quả. Công tác tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất rừng, công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao đất, giao rừng được các cấp, các ngành giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Sau khi được giao đất, giao rừng, đồng bào yên tâm đầu tư lâu dài trên diện tích được giao, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt.

Chỉ ra những khó khăn trong công tác này, các đại biểu tán thành với kiến nghị của đoàn giám sát, đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát triển khai việc thực hiện Luật Bảo vệ, phát triển rừng nói chung và công tác giao đất giao rừng nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Hằng năm, Quốc hội dành nguồn ngân sách thích đáng để tiến hành đo đạc, thiết kế, cắm mốc và lập đề án giao đất gắn với giao rừng, hạn chế tình trạng chồng lấn, tranh chấp như hiện nay.

Song song với việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ và phát triển rừng, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các Bộ chủ quản tiến hành tổng kết công tác giao đất, giao rừng từ Luật năm 2004 được ban hành đến nay; sửa đổi, bổ sung các chính sách về giao đất, giao rừng trên thực tế nên giao rừng cho các địa phương cấp tỉnh, các tỉnh trên cơ sở tình hình thực tế để triển khai, kể cả các chính sách về hưởng lợi, không đánh đồng quy định chung vì đặc điểm đất, rừng mỗi địa phương mỗi khác. Bên cạnh đó, cần có chính sách nâng mức hỗ trợ đối với các chủ rừng để mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững; có giải pháp bảo đảm nguồn thu nhập ổn định đối với các chủ rừng...

Các đại biểu lưu ý đoàn giám sát cần có đánh giá sâu về công tác bảo vệ, phát triển rừng từ những con số được đưa ra để từ đó có thêm nội dung để đánh giá sâu về công tác này; đề xuất thêm các giải pháp về mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; làm rõ thêm khái niệm "giao đất cho cộng đồng'' để có biện pháp quản lý, khai thác, bảo vệ rừng phù hợp...

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Ngày 16/6/2017, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật tuy nhiên còn có một số ý kiến khác nhau. Quốc hội đã thống nhất xem xét thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp.

Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 5/2017, tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành./.

Phúc Hằng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực