Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm, chúc Tết lực lượng Công an, Hải quan

Chủ nhật, 19/01/2020 00:38
Chiều 18/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi thăm, làm việc và chúc Tết tại Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
leftcenterrightdel

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Thăm, làm việc với Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, biểu dương những kết quả đạt được của toàn ngành trong năm 2019, đặc biệt là kết quả thu ngân sách đạt hơn 348 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 16%, vượt chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11% so với năm 2018. Phó Thủ tướng cho rằng đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cắt giảm thuế quan theo lộ trình cam kết quốc tế và tăng cường quản lý rủi ro.

Công tác kiểm tra sau thông quan cũng được ngành Hải quan đẩy mạnh, đã thực hiện 4.673 cuộc, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là gần 2300 tỷ đồng. Về vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn ASANZO, Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra xác minh, đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh những thành tích đạt được, công tác hải quan cũng còn một số mặt hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách, nhất là tình trạng lợi dụng sự thông thoáng trong quản lý xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm... Vẫn còn có công chức Hải quan thiếu tinh thần trách nhiệm, có liên quan đến các đường dây buôn lậu.

Công tác phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin chưa thực sự hiệu quả, nhất là với lực lượng Quản lý thị trường, Công an, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Số cuộc kiểm tra sau thông quan tăng cao so với năm 2018 (74%), nhưng số thu ngân sách qua kiểm tra sau thông quan chỉ tăng 1%. Công tác quản lý rủi ro, phân luồng tờ khai hải quan còn bất cập.

Phó Thủ tướng lưu ý, toàn ngành phải xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, không để tình trạng công chức vi phạm tiếp tay cho buôn lậu, tham nhũng vặt đã được báo chí phản ánh thời gian qua; đề cao trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu; nếu đơn vị nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác; nếu xác định có vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh.

“Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra hoạt động công vụ của công chức hải quan, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này, đặc biệt là công tác kiểm tra sau thông quan để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền, không để người dân và doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào lực lượng  hải quan. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Hải quan đề cao và gắn trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác quản Iý rủi ro, phân luồng tờ khai hải quan; làm tốt công tác thu thập thông tin, đánh giá, phân loại doanh nghiệp để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp, tạo thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, chống thất thu thuế. Cùng với đó, ngành Hải quan phải tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là với lực lượng Quản lý thị trường để kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu, có biện pháp phù hợp theo dõi các lô hàng được miễn kiểm tra thực tế tại thời điểm thông quan để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu hàng hóa; huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng, nhất là trong bối cảnh cắt giảm biên chế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đảm bảo ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật từ xa; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập khẩu hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, nhất là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước thứ ba, ảnh hưởng đến quan hệ, chính sách thương mại của nước ta với các nước trên thế giới.

Báo cáo kết quả công tác của ngành Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, riêng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 17 nghìn vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 3.000 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ; chuyển cơ quan khác khởi tố 164 vụ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp, nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tổng cục tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế; phối hợp với các bộ, ngành thống nhất và trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra xác minh thông tin vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn ASANZO, đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, sau Tết cơ quan này sẽ có báo cáo về hàng loạt vụ gian lận giả mạo xuất xứ hàng hóa (gỗ, xe đạp điện…) ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, kho ngoại quan.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà Tết cho Cục Cảnh sát giao thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Bày tỏ vui mừng khi đến thăm chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2019, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng (số phương tiện giao thông tăng 9 lần so với 2000), trong năm có nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, tạo nên những thách thức cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông, công tác bảo đảm trật tự - an toàn giao thông đã thu được kết quả tích cực. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, tai nạn giao thông đã giảm trên 5% ở cả 3 tiêu chí. So với năm 2018, số người chết giảm 7,27%, số người bị thương giảm 6,24%, số vụ giảm 5,06%. Đạt được kết quả trên, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Phó Thủ tướng ghi nhận, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã chủ động và phối hợp tham mưu chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; triển khai toàn diện các chuyên đề công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhận diện đúng các vấn đề phức tạp nổi lên và có kế hoạch giải quyết đạt hiệu quả cao, như chuyên đề xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với chất ma túy, tổng kiểm soát phương tiện xe khách… Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực, trong thời gian rất ngắn Cục Cảnh sát giao thông đã kịp thời tổ chức triển khai, thực hiện, tuyên truyền sâu rộng, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, được dư luận đồng tình, ủng hộ, góp phần làm giảm tai nạn và thương vong do tai nạn giao thông gây ra.

Nhìn về kết quả thực hiện Nghị định 100 sau nửa tháng ban hành, Phó Thủ tướng cho rằng đây là công lao đóng góp chung của các bộ, ngành, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông “đã ghi được một điểm son” và cần tiếp tục duy trì, thực hiện tốt chủ trương này. Lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng đã tích cực trong việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông, đưa đón dẫn đoàn bảo đảm an toàn thông suốt. Để hoàn thành nhiệm vụ, Cảnh sát Giao thông phải khắc phục nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo yêu cầu, phương tiện tham gia giao thông không ngừng tăng, nhiều đối tượng có hành vi liều lĩnh, tấn công lực lượng thi hành công vụ, môi trường độc hại, thời gian làm việc căng thẳng, chế độ chính sách còn bất cập…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, lực lượng Cảnh sát Giao thông phải kiên trì, quyết tâm, quyết liệt kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phấn đấu giảm 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông; tổ chức tốt hơn hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tổng kiểm tra, kiểm soát theo từng chuyên đề, tập trung xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ… góp phần xây dựng trật tự kỷ cương trong chấp hành pháp luật về trật tự - an toàn giao thông nói riêng và chấp hành pháp luật nói chung. Cảnh sát Giao thông cần phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý, phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi; phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông; ngăn chặn kịp thời tình trạng đua xe trái phép, nhất là trong dịp Tết.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết, năm 2019, tình trạng chống lại lực lượng Cảnh sát Giao thông khi đang làm nhiệm vụ diễn ra nghiêm trọng (25 vụ), làm 1 chiến sỹ hy sinh, 18 chiến sỹ bị thương, bắt giữ 48 đối tượng.

Sau 15 ngày thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 54.900 trường hợp vi phạm trật tự - an toàn giao thông, phạt tiền hơn 49,7 tỷ đồng; trong đó đã phát hiện, xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Việc triển khai kiểm soát nồng độ cồn sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục trước, trong và sau Tết, kể cả mùng 1 Tết.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, từ ngày 1/1 – 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. Bình quân mỗi ngày có 16,6 người chết vì tai nạn giao thông, giảm 5 người chết/ngày so với ngày bình thường của năm 2019. Tai nạn giao thông giảm sâu nên nhân dân rất ủng hộ Nghị định 100, hiếm có văn bản nào nhận được ủng hộ và có sự lan tỏa nhanh như vậy./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực