Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Ngành tư pháp cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước

Thứ hai, 11/01/2010 21:09

(ĐCSVN)Sáng nay (11/1), Bộ Tư pháp khai mạc Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010 khu vực phía Bắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Báo cáo về tình hình công tác tư pháp năm 2009, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, công tác công tác tư pháp năm 2009 đã được toàn ngành triển khai có trọng tâm, trọng điểm; nhiều mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đạt được những kết quả cụ thể; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới; tập trung cao trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành từ Bộ đến địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp năm 2009 vẫn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: một số văn bản, đề án được phân công soạn thảo còn chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo. Công tác thẩm định chưa tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng ; số việc thi hành án tồn đọng chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều; công tác hành chính tư pháp ở một số địa phương còn nhiều lúng túng, chưa tạo thuận lợi cho người dân; chất lượng hoạt động của các lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn hạn chế …

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trong năm 2010, ngành tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), theo dõi thi hành pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật thi hành án dân sự (THADS) và các Nghị định hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trật tự an toàn xã hội; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Quốc tịch Việt Nam, góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, chuẩn bị các điều kiện và tập trung cao độ cho việc triển khai thực hiện các VBQPPL liên quan đến thể chế ngành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hóa hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý nhà nước và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính tư pháp, góp phần ổn định, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực hoạt động của lãnh đạo Bộ và phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nhận định, ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai tương đối đồng bộ các mặt công tác, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tòan quốc triển khai công tác tư pháp năm 2009, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, nhiệm vụ của từng địa phương. Hệ thống cơ quan tư pháp cả ba cấp đã được kiện toàn một bước quan trọng về tổ chức và cán bộ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực công tác của ngành được thực hiện tốt hơn…Báo cáo tổng kết công tác của ngành trong năm 2009 đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém trong các lĩnh vực công tác của ngành và đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trên các mặt công tác trong năm 2010 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2010, đồng thời đưa ra 7 vấn đề lớn đề nghị Ngành tư pháp nghiên cứu, thảo luận.

Thứ nhất, ngành phải đầu tư nghiên cứu, đóng góp trí tuệ cho việc xây dựng các văn kiện chính trị quan trọng sẽ trình Đại hội Đảng XI, góp phần tích cực trong việc lý giải thấu đáo các vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp cần xây dựng một bản chiến lược phát triển ngành dài hạn đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước trong thời kỳ tới.

Thứ hai, Bộ Tư pháp, các cơ quan Tư pháp địa phương và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, địa phương phải là chỗ dựa tin cậy, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

 

 Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ: công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, vì vậy năm 2010, ngành Tư pháp phải lấy việc nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đồng thời, phải giúp Chính phủ theo dõi sát tình hình thực hiện pháp luật. Đề án về công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật.

Thứ ba, thi hành án dân sự vẫn đang là lĩnh vực công tác có nhiều khó khăn, hạn chế và yếu kém của ngành, đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, Bộ Tư pháp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này; tập trung củng cố về tổ chức, đầu tư cán bộ cho hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương tới địa phương. Hoàn thành Đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan Thi hành án các cấp; Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác thi hành án theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thứ tư, phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp; triển khai thực hiện tốt Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tăng cường cán bộ tư pháp cơ sở, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; xúc tiến các công việc cần thiết để thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, đơn vị giúp Bộ quản lý nhà nước về bồi thường Nhà nước.

Thú năm, cần tăng cường năng lực cho các cơ quan bổ trợ tư pháp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; xây dựng Chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020.

Thứ sáu, phải tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Thứ bảy, kiện toàn về tổ chức, cán bộ của ngành; tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, đặc biệt là đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp sẽ hưởng ứng tích cực cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' một cách thực chất, hiệu quả, ''Học tập'' gắn liền với ''Làm theo'' tấm gương đạo đức của Người trong từng công việc cụ thể./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực