Phúc thẩm vụ án tại PVC: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo ​

Thứ hai, 07/05/2018 16:52
(ĐCSVN) - Sáng ngày 7/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm, xét xử vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo và được dư luận xã hội rất quan tâm.

Sau phiên tòa sơ thẩm, có 15 bị cáo trên tổng số 22 bị cáo trong vụ án gửi đơn kháng cáo. Trong đó, 3 bị cáo kêu oan là Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVC), Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) và Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN).


Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: TTXVN)


Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại cho mình về cả 2 tội danh nói trên và xem xét lại trách nhiệm dân sự.

Trong khi đó, bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo Thăng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh, hình phạt đối với bản thân cho phù hợp với bản chất vụ án, vai trò trách nhiệm của bị cáo, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng kháng cáo, trong đó có anh Trịnh Hùng Cường – con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Theo kháng cáo của anh Cường, anh đề nghị được trả lại biệt thự, nhà đất và ô tô đang bị kê biên với lý do đây là tài sản do ông bà cho, không thuộc tài sản phải thi hành án.

Các bị cáo kháng cáo còn lại đều có chung nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường so với các quyết định mà Bản án Hình sự sơ thẩm số 33/HSST ngày 22/1/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên.

Ngoài ra, một số bị cáo không kháng cáo nhưng được Tòa phúc thẩm triệu tập với tư cách người làm chứng gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty Cổ phần miền Trung - Công ty Cổ phần Đà Nẵng), Phạm Tiến Đạt  (nguyên Kế toán trưởng PVC), Lê Thị Anh Hoa (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quỳnh Hoa).

Tham gia phiên tòa phúc thẩm còn có sự tham dự của các cơ quan, người có nghĩa vụ liên quan, các giám định viên của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, 3 nguyên đơn dân sự là PVN, PVC và anh Trịnh Hùng Cường.

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm Chủ tọa phiên tòa.

Trong buổi xét xử đầu tiên, gần 30 luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như những người liên quan. Bị cáo Đinh La Thăng có 3 luật sư tham gia bào chữa.

Hội đồng xét xử đã tiến hành kiểm tra sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Đồng thời, phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo

 Đáng chú ý, trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn cho hay, ngày 2-5, bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin rút đơn kháng cáo của toàn bộ hai bản án mà bị cáo Thanh đã bị đưa ra xét xử. Cũng trong đơn, bị cáo Thanh nêu vì lý do sức khỏe nên xin vắng mặt tại phiên tòa này.

“Theo quy định, ngày 3/5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ phúc thẩm với bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bản án sơ thẩm trong vụ này có hiệu lực pháp luật” – Chủ toạ phiên toà nói.

Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cho biết, hôm nay cũng nộp đơn rút kháng cáo về việc mong được trả lại tài sản của gia đình bị kê biên.

Trước đó, ngày 22-1, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tù chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân. Bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Phùng Đình Thực bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong nhóm tội cố ý làm trái buộc phải bồi thường thiệt hại cho PVN số tiền hơn 119 tỉ đồng, trong đó bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh mỗi bị cáo bồi thường số tiền 30 tỉ đồng.

Các bị cáo phạm tội tham ô phải liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 11 tỉ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh bồi thường gần 4,4 tỉ đồng.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 10 ngày./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực