Phương án nào xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc?

Thứ năm, 25/10/2018 17:05
(ĐCSVN) – Xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vẫn là vấn đề “nóng” nhất tại dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu ý kiến.
Ảnh: daibieunhandan.vn

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là một trong những dự thảo luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội. Trong phiên thảo luận sáng nay, đã có 20 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận, còn 13 vị đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do điều kiện thời gian không được phát biểu tại hội trường.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước

Phát biểu thảo luận, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài Nhà nước để bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng, chống tham nhũng, cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự vừa mới thông qua về quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân đối với một số loại tội phạm, như: Tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ,... và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng cũng như cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm đối tượng bị kiểm soát ở đây có thể là mở rộng thêm cả một số loại doanh nghiệp khác có quan hệ kinh tế, có biểu hiện "sân sau".

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích, trên thực tế, nạn tham nhũng đã và đang lan tỏa ngoài khu vực Nhà nước làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng của Nhà nước, hành vi tham nhũng gây ra nhiều ở khu vực tư với xã hội là rất lớn, trục lợi đầu tư, mua chuộc quan chức, đưa hối lộ… mà những việc này không phải phục vụ lợi ích xã hội chung. “Các tổ chức và cá nhân có đóng góp tiền và tài sản xã hội rất lớn, mặc dù không từ ngân sách nhưng suy cho cùng cũng là nguồn của dân, cho nên phải sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát vào túi riêng cá nhân và có quyền trong tổ chức này” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phân tích thêm, thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài việc phù hợp với Công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia, việc mở rộng sẽ phù hợp với thực tiễn xã hội, với nguyện vọng của cử tri trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng bị thanh tra, kiểm toán do liên quan đến đấu thầu những thầu bán tài sản, nguồn kinh phí từ các chương trình dự án của Nhà nước. Tuy nhiên, để chống lạm dụng thì phải có quy định cụ thể phạm vi về Luật Phòng, chống tham nhũng trong phạm vi ngoài Nhà nước ở mức nhất định.

Cân nhắc phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc

Xử lý thu nhập, tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề “nóng” nhất tại dự Luật và nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Không đồng thuận cao như trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau và tranh luận sôi nổi về vấn đề này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nêu ưu, nhược điểm của cả ba phương án được đưa ra là: phương án 1 (phương án thu thuế), phương án 2 (xử phạt hành chính), phương án 3 (xem xét, giải quyết tại Tòa án).

Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 3 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.

Tuy nhiên, UBTVQH trình xin ý kiến về hai phương án là xử lý bằng thu thuế và xem xét giải quyết tại Tòa án.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, phương án 3 cần được cân nhắc. Bởi lẽ, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập không có chức năng kết luận về tính hợp pháp hay bất hợp pháp về nguồn gốc tài sản. Việc mở rộng phạm vi giải trình không hợp lí về nguồn gốc như dự thảo là quá rộng. Đại biểu lo ngại rằng nó sẽ vượt quá khả năng của cơ quan đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, chức năng chính của Tòa án là xét xử. Đây không phải là vụ án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và cũng không thuộc phạm vi của pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. Việc trao cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản thu nhập này là vượt quá khả năng và chức năng của Tòa án…

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng) bày tỏ ủng hộ phương án 1. Theo đại biểu, phương án này sẽ đảm bảo tính khách quan, dân chủ và sự minh bạch khi thực hiện thủ tục có tranh tụng công khai tại tòa để xem xét quyết định tính hợp lý về nguồn gốc tài sản của người có nghĩa vụ kê khai. Đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân khi xem xét tính hợp lý của việc giải trình tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Việc thu hồi 100% tài sản thu nhập cho Nhà nước khi người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về tài sản thu nhập tăng thêm khẳng định thái độ quyết liệt, mạnh mẽ nghiêm khắc của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng và điều này không chỉ đảm bảo việc thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước mà còn tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện theo phương án này cũng sẽ góp phần khẳng định năng lực, trách nhiệm, việc thực thi nhiệm vụ, chất lượng xác minh của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập... 

Cũng lựa chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) khẳng định, chúng ta phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế”. Đồng thời phát biểu thêm, “hiện nay bí nhất là việc thu hồi tài sản. Đất nước ta đang thiếu nguồn lực, nếu chúng ta xử lý tốt điều này thì sẽ có nguồn lực rất lớn huy động phát triển kinh tế".

Mặt khác, theo đại biểu, phải có lộ trình xử lý vấn đề tài sản này. Nếu không, vô hình chung chúng ta cứ đặt một điều luật thực hiện không có lộ trình; chắc chắn người dân sẽ đặt vấn đề chúng ta đang tìm cách hợp thức hóa.

Ủng hộ phương án 3, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của mình. Song, theo đại biểu, trước khi chuyển cho tòa án cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để tòa án phán quyết chính xác.

“Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai thu nhập. Tuy nhiên, nếu theo phương án này cần quy định về trình tự, thủ tục giải quyết riêng, đảm bảo tính chặt chẽ, tránh sự xáo trộn trong xã hội” – đại biểu phát biểu./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực