Quốc hội thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Thứ năm, 27/10/2016 21:21
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ

Thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng giải quyết bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các đại biểu đề nghị cân nhắc các quy định này của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các đạo luật khác có liên quan. 

Nhiều ý kiến của các đại biểu tán thành việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định tại điều này không thống nhất với quy định tại Điều 45 và Điều 46 của dự thảo Luật; đồng thời, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 quy định rất hạn chế các trường hợp tạm ứng ngân sách nhà nước và việc tạm ứng phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Vì vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này để bảo đảm thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật và thống nhất với quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Chu Lê Chính (đoàn Lai Châu) đề nghị cân nhắc ngân sách trung ương và địa phương trong giải quyết bồi thường. Theo đại biểu Chu Lê Chính, "trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường là Ủy ban nhân dân các cấp thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Chỗ này khó khăn cho các tỉnh cân đối ngân sách Trung ương. Những vấn đề bồi thường nhà nước, nhất là liên quan đến vấn đề tố tụng oan sai, tiền tỷ, trăm tỷ khó khăn cho các tỉnh miền núi”. 

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi) cho biết: Theo dõi mấy vụ án oan gần đây cho thấy, bồi thường oan, sai kiểu gì cũng bị phản ứng. Nếu theo đúng quy định thì bồi thường sẽ rất ít. Nhưng nếu ít như vậy, dư luận sẽ phản ánh mười mấy năm bị oan mà bồi thường như vậy là quá ít. Đề cập đến những vụ án oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Trần Văn Thêm mới đây, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cho rằng, khi không thương lượng được thì có thể kiện ra tòa, nhưng khi kiện ra tòa cũng khó vì phải có căn cứ về các thiệt hại. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hoàng Nam (đoàn Tiền Giang) đề nghị, bỏ quy định người yêu cầu bồi thường phải ký khi tiến hành thương lượng, bởi nó sẽ là bẫy pháp lý để các trường hợp không ký bị mất quyền lợi. Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Nam: “Khi thương lượng thành hay không thành mà không ký vào thì không được quyền ra tòa giải quyết. Trong quá trình thực tiễn điều này sẽ xảy ra, người yêu cầu bồi thường khi thương lượng không đạt được, có sự bất bình, không biết được quy định của pháp luật phải ký vào sau này mới được khởi kiện ra tòa”.

Các đại biểu cũng đề nghị việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường. Vì vậy, bên cạnh trình tự giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này thì quyền yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính theo các luật khác có liên quan mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này.

Thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) các đại biểu cho rằng, trong nguyên tắc về trợ giúp pháp lý cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng thực sự khó khăn về tài chính; đồng thời đề nghị cân nhắc quy định nâng tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của Luật sư.

Đa số đại biểu đồng tình với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn, khi đối chiếu với dự Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành. Việc thu hẹp như vậy dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội. Theo các đại biểu, trong nguyên tắc về trợ giúp pháp lý cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng thực sự khó khăn về tài chính, không thể tự mình giải quyết được một việc nào đó liên quan đến pháp lý mà cần phải có sự hỗ trợ. 

Đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung một đối tượng là trẻ em bị hại, ví dụ như trẻ em bị xâm hại về thân thể hay xâm hại về tình dục thì không thấy nhắc đến. Cùng với đó, cần xem xét, bổ sung thêm nhóm người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Bởi vì số lượng trẻ em là người bị hại trong các vụ án hình sự, nhất là vụ án xâm hại tình dục, bạo lực gia đình chiếm đa số. Các đối tượng này rất cần trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, các đại biểu  tán thành quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo lộ trình hợp lý, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Bên cạnh đó, cũng đề nghị cân nhắc việc quy định nâng tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của luật sư. Bởi vì, Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh độc lập, chịu sự quản lý, đánh giá và giám sát hoàn toàn khác biệt so với luật sư.

Theo chương trình, ngày mai 28/10, Quốc hội nghe Báo cáo công tác năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và thảo luận tại hội trường các báo cáo trên./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực