Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Thứ năm, 23/11/2017 09:59
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/11, với tỷ lệ 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) bao gồm 10 Chương, 63 Điều quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công; nợ công quy định tại Luật này bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật. Ảnh: Đình Nam

Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc quản lý nợ công được xác định gồm: Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả. Vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Bên vay, bên vay lại, đối tượng được Chính phủ bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đối với khoản vay, khoản vay lại, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trước khi thông qua Luật này, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Theo Báo cáo giải trình, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công (từ Điều 10 đến Điều 20), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công, quyết định hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm, phê chuẩn các điều ước quốc tế.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, các nội dung trên đã được quy định tại khoản 1, Điều 10 và khoản 1, Điều 22 Dự thảo luật. Theo đó, Quốc hội có thẩm quyền “quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm”, trong đó có các chỉ tiêu an toàn nợ công, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ. Thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các điều ước quốc tế đã được quy định tại khoản 14, Điều 70 Hiến pháp và đã được cụ thể hóa tại Luật Điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết việc trả nợ công của địa phương. Liên quan đến ý kiến này, ông Nguyễn Đức Hải giải trình, Dự thảo luật đã quy định việc vay, trả nợ của chính quyền địa phương tại Chương VII. Đồng thời, khoản 3 Điều 53 Dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến quản lý vay, trả nợ của chính quyền địa phương.

Về ý kiến cho rằng, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “quyết định việc đàm phán, ký, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ” là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, UBTVQH cho biết, khoản 7, Điều 96 Hiến pháp đã quy định Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ”. Đồng thời, khoản 5 Điều 98 Hiến pháp cũng đã quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ”. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp, UBTVQH xin chỉnh lý quy định tại khoản 7 Điều 14 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, ký kết, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong Luật. Đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước. Có ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành, bổ sung cơ chế phối hợp và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp.

Về vấn đề này, UBTVQH giải trình, tiếp thu và cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị ĐBQH, Dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”; Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

UBTVQH nhận thấy, quy định trong Dự thảo luật là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, đồng thời giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…

Về chỉ tiêu an toàn nợ công (Điều 21), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia vì 2 chỉ tiêu này bao gồm cả khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức khác; đề nghị bổ sung chỉ tiêu nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước và nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia trên tổng dự trữ ngoại hối quốc gia; nợ công bình quân trên đầu người.

UBTVQH nhận thấy, đúng như ý kiến các vị ĐBQH đã nêu, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả các khoản nợ nước ngoài được vay theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp, không thuộc phạm vi nợ công. Tuy nhiên, đây là 2 chỉ tiêu quan trọng, thể hiện mức độ an toàn nợ nước ngoài của cả nền kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều sử dụng 2 nhóm chỉ tiêu là quy mô nợ (nợ Chính phủ/GDP, nợ công/GDP,…) và chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ (nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước hoặc nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/tổng kim ngạch xuất khẩu) nhằm phản ánh quy mô nợ và khả năng trả nợ của quốc gia. Hệ thống các chỉ tiêu này một mặt vừa đảm bảo tính ổn định trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát an toàn nợ công, mặt khác đảm bảo tính đồng nhất theo thông lệ để so sánh với các quốc gia trên thế giới.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực