Quy định chặt chẽ số lượng cấp tướng trong Công an nhân dân

Thứ năm, 14/06/2018 18:11
(ĐCSVN) - Một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải có quy định chặt chẽ, quy trình, tiêu chí và điều kiện cụ thể, rõ ràng, tránh vượt quá số lượng cấp tướng được quy định trong toàn ngành Công an và địa phương.

Sáng 14/6, Quốc hội cho ý kiến vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng; bổ sung quy định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I.

Băn khoăn quy định Giám đốc công an cấp tỉnh là Thiếu tướng

Thống nhất với dự thảo Luật, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, việc cấp hàm thiếu tướng đối với Giám đốc công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp; bởi xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tính chất của công an cấp tỉnh, công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tham mưu cho bộ trưởng và chính quyền địa phương về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trực tiếp đấu tranh phòng, chống âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

Chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh…Tuy nhiên, đề nghị dự thảo luật cũng cần phải có quy định chặt chẽ, quy trình, tiêu chí và điều kiện cụ thể, rõ ràng, tránh vượt quá số lượng cấp tướng được quy định trong toàn ngành và toàn thể địa phương.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chỉ rõ, thực tiễn công việc của công an các tỉnh, thành phố loại 1 rất nặng nề phải chịu trực tiếp trước lãnh đạo Bộ Công an, trước cấp ủy và chính quyền địa phương vì công tác đảm bảo an ninh trật tự, quân số của các tỉnh loại 1 hiện nay phổ biến từ 4.000-5.000 quân. Sắp tới 80% lực lượng công an nhân dân sẽ chuyển về cấp tỉnh theo phương châm bộ tinh, tỉnh mạnh thì quân số sẽ tăng lên rất nhiều. 

ĐB Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) đề xuất, không nên chỉ quy định phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố được phân loại tỉnh, thành phố loại I như trong dự thảo, mà nên quy định tất cả giám đốc công an tỉnh đều có quân hàm cao nhất là thiếu tướng.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) bày tỏ, nếu quy định tất cả giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng thì không cần thiết, bởi vì số vụ việc, tính phức tạp về an ninh trật tự trên các địa bàn khác nhau; có tỉnh thì vài ngàn vụ và có tỉnh thì chỉ vài trăm vụ một năm. Nếu quy định như vậy thì sẽ đánh đồng, cào bằng, không đánh giá được thực chất năng lực của các giám đốc công an cấp tỉnh. Quy định như vậy sẽ không phù hợp với chủ trương tinh gọn đầu mối theo Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị ban hành ngày 15/3/2018.

 

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TH).

Đề xuất chỉ phong hàm cấp tướng với lực lượng trực tiếp chiến đấu và phòng chống tội phạm

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) lưu ý tới dư luận nhân dân phản ánh thời gian vừa qua, việc phong hàm cấp tướng của công an nhân dân hơi nhiều trong điều kiện nước ta không có chiến tranh, không có tình hình gì quá đặc biệt và kinh - xã hội chúng ta còn khó khăn.

“Đề nghị chỉ phong hàm cấp tướng đối với những lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống các vi phạm pháp luật và tội phạm. Còn phong hàm cấp tướng cho những đơn vị hành chính sự nghiệp trong lực lượng công an nhân dân cũng cần cân nhắc và hạn chế”, ĐB nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng, cụ thể là đại tướng, thượng tướng, trung tướng, thiếu tướng, để hạn chế việc phong cấp không theo quy luật. Hai là quy định rõ trong luật tổng số vị trí quân hàm cấp tướng để tránh việc dư luận cho rằng phong cấp tướng rồi điều đi chỗ khác, trống chỗ đó lại điền vào chỗ trống, dần dần các đồng chí đại tá cũng được lên thiếu tướng một cách nghiễm nhiên vì vị trí như vậy...

Tranh luận lại với một số đại biểu, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người cán bộ công an, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Người xứng đáng với năng lực, trình độ là tướng khi có nhu cầu thì được phong tướng. Còn chức vụ giám đốc hay thứ trưởng đó là chức vụ. Chức vụ này hiện đang tách bạch giữa năng lực, vấn đề của người hay cơ quan sử dụng cán bộ phân công người và việc, tức là phân công người có năng lực tướng vào giải quyết công việc phức tạp mà chỉ có tướng mới giải quyết được.

“Không thể cứng nhắc rằng chỗ này nhất quyết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá”, ĐB Lâm nói.

Trên cơ sở đó, ĐB đề xuất: Quốc hội nên quy định trong giai đoạn này, số lượng cấp tướng, số lượng cấp tá tối đa là bao nhiêu. Còn phân công vào vị trí nào thì tùy tính chất yêu cầu công việc, theo đánh giá của các cơ quan sử dụng cán bộ.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực