Quy rõ trách nhiệm cơ quan, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công

Thứ sáu, 16/06/2017 14:43
(ĐCSVN) - Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí gắn với trách nhiệm của người đứng đầu…

Quản lý nợ công: Nhiều mối, khó xác định trách nhiệm

 Đề xuất đưa quản lý nợ công về một đầu mối

Dự thảo quản lý nợ công (sửa đổi) quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế...

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đánh giá, hiện nay để 3 cơ quan quản lý nợ công như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nhưng sự phối hợp chưa thông suốt, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát lãng phí. Vì vậy, nên thu về một đầu mối cho dễ dàng quản lý, đồng thời làm giảm biên chế, tăng niềm tin của người đi vay khi chỉ làm việc với một đầu mối.

ĐB Hàm cũng thẳng thắn chỉ ra, hiện dự thảo Luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý nợ công nên không xử lý được trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi để xảy ra thất thoát lãng phí, do đó cần quy trách nhiệm của cơ quan, cá nhân khi để xảy ra thất thoát từ các khâu thẩm định, phê duyệt.

Để xử lý được “tận gốc” nợ công, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng phải giải quyết được 3 vấn đề. Đó là phạm vi quản lý nợ công, đầu mối bộ máy quản lý nợ công, và nhận diện được rủi ro. ĐB Hàm đề nghị cần giám sát các khoản nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập bởi các đơn vị này không trả được thì Nhà nước vẫn phải gánh nợ thay. Hay như các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước không trả được nợ thì sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, người lao động mất việc làm cho nên cần phải quy định trong Luật để giám sát và quản trị rủi ro.

Cho rằng việc giữ nguyên 3 đầu mối có ưu điểm căn bản phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan trong huy động nguồn vốn vay, tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trên thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập, tạo áp lực trả nợ như hiện nay...

Mặt khác, ĐB cũng chỉ ra việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan chưa rõ ràng, hiện nay còn “mập mờ”, không phải quy trách nhiệm gánh chịu hậu quả mà là nhiệm vụ.  “Phải quy định các cơ quan bảo lãnh trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ”, ĐB Cường đề xuất.


ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN).


Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nợ công cũng làm tăng lãi suất như nợ xấu. Các khoản đầu tư công trong thời gian tới rất lớn cho nên đầu tư công có tính hiệu quả mới kéo giảm được nợ công. Do đó cần giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp Nhà nước, giải thể các dự án thua lỗ, đắp chiếu trước tiên chứ không phải vội vàng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn có lời.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng điều quan trọng là chú trọng vào tính hiệu quả chứ không phải một hay nhiều cơ quan quản lý.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. “Bộ Tài chính ủng hộ phương án một đầu mối quản lý”, Bộ trưởng cho hay.

Nợ của doanh nghiệp nhà nước có nên tính vào nợ công?

Theo dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi), nợ tự vay tự trả sẽ không tính vào nợ công vì doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp DNNN gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn: Nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập nếu có nguy cơ phá sản thì Chính phủ có bỏ tiền ra không?. Nếu Nhà nước bỏ ra trả thì đó có phải nợ trong nước hay nợ gì?… “Đây là những điều cần phải làm rõ, minh bạch thì mới đảm bảo an toàn tài chính quốc gia”, ĐB Tiến nói.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị, cần đưa khoản nợ vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công vì thực tế doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, hay Nhà nước nắm quyền sở hữu chi phối thì Nhà nước phải có trách nhiệm. Bởi đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay, do vậy đưa vào trong Luật để quy trách nhiệm và quản lý sử dụng vốn Nhà nước được hiệu quả.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nhấn mạnh, cần tính toán kỹ hơn các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh như: Nợ của doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối vậy khi doanh nghiệp không trả được nợ, Nhà nước có trách nhiệm không?. Nợ của DNNN song song tồn tại khoản Chính phủ bảo lãnh và không bảo lãnh thì khi DNNN mất khả năng trả nợ, trách nhiệm của Nhà nước đến đâu?.

Nhấn mạnh nợ công đang tăng quá nhanh, đã sát mức Quốc hội cho phép là 65%, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -Vũng Tàu) đề nghị cần giám sát doanh nghiệp Nhà nước đối với các khoản vay nợ, và nguồn trả nợ để không ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Song, lưu ý quan trọng là phải quy trách nhiệm các cơ quan trong quản lý nợ công, tránh tình trạng cứ vay về nhưng không trả được. Trong đó, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu khi vay về nhưng sử dụng không hiệu quả dẫn đến không có khả năng trả nợ.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực